Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Truyện ngắn QUÁN NHỎ BÊN ĐƯỜNG

Hồ Cảnh Hưng
1.
Mo chủ chợ trần trùi trụi đi lại trong chợ. Đất chợ rộng từ vườn của Mo. Cuối chợ một bụi chuối đêm mưa làm nó trổ hoa. Một sạp thịt hai người đàn bà. Gương mặt Tha đỏ hồng, từ sau bụi chuối Tha thả dây thun quần một cái tạch, bước ra, miệng cười tươi.
“Đít như trạc bánh đúc hà”, mụ Thàn nói.
“Cái bà này”, Tha xốc lại lưng quần, thẹn.
Mo đi lại ngồi xuống bên gánh bánh đúc:
“Tha, mặt mày sao đỏ ửng lên vậy... Nứng lồn à?”
“Đồ chết dịch”, Tha chửi.
Mo đọc:
“Lòng em chua chát lắm ai ơi
Bụi chuối này em trật chỗ ngồi
Đái gắt em dòm, tay bụm háng
Tiểu tiện làm em đỏ cả người”.
“Đồ mặt ngựa”, Tha chửi.
“Tình em bỏ giữa chợ trời
Ngồi ăn bánh đúc anh thời giơ cu”, mụ Thàn nói.
“Đồ khốn hà, tầm bậy tầm bạ”. Tha giơ dao chặt phành phạch vào thịt.
Mo đọc:
“Thịt thịt da da, mỡ mỡ là
Nõn nà chi lắm, bớ người ta”.
Mụ Thàn tiếp:
“Cho nên ông Phủ ngồi trong xó
Ông Cống ông Nghè cũng ngó ra”.
Dân chợ cười rộ.
“Ê, sáng nay Thu Cúc qua sông phỏng?” Mo ngẩng lên ngó ra đằng đầu chợ. Nhiều người đàn bà đội bánh đi vào. Mo đứng lên:
“Các bà các mợ đi chợ đấy ạ?”
“Vâng, thưa ông chủ chợ”, những người đàn bà lũ lượt kéo vào. Mo đi đi lại lại, phao lên: “Chợ an vui, chợ tình, hàng gương hàng lược, lụa là gấm vóc đủ cả. Mua cho hay, bán cho giỏi, đừng cứ lần khần để chợ trưa dưa héo, mất cái duyên đi”. Rồi rao: “Đời người có hai phiên chợ, một phiên chợ sớm, một phiên chợ khuya”.
“Phiên chợ khuya dầm dìa ông nắng cực”, mụ Thàn nói.
“Phiên chợ ngày bà rạo rực, ngứa nang”, Mo đáp.
Dân chợ cười ồ.
Một cậu học trò cầm tiền đi tới trước bàn thịt của Tha mua thịt.
Tha trở lật từng miếng thịt cho cậu học trò xem, miệng ngọt xớt: “Miếng này nhé! Hay anh lấy miếng này, miếng này?” Mắt cậu học cứ dính vào Tha. Cậu lắp bắp: “Miếng nào cũng được”.
“Người ta có chồng rồi đấy”, mụ Thàn bảo.
Cậu học trò đỏ mặt. Tha cũng đỏ mặt.
Cậu học trò lui ra.
“Gái khôn hồn, gái nỉ non, mặt đỏ trái bòn bon”, Mo nói.
“Tại nón nòn”, mụ Thàn bảo.
“Cái bà này, cứ chòng ghẹo người ta hoài! Mất mối như chơi”. Tha lận tiền vào cạp quần.
“Chẳng phải cô gian?”
“Tự dưng”.
“Cậu học trò của thầy Nhàng đấy”, mụ Thàn bảo. “Cứ thòi nọng hông ra cho cậu ấy xem hử? Đĩ lộ ra giữa chợ thế à? Cô bán thịt lợn, hay cô bán thịt cô?”.
“Kì cục hết sức”, Tha đỏ mặt.
“Mặt hồng hào, ngao đo đỏ”, Mo nói.
“Đồ mặt ngựa, chặt cho bây giờ”, Tha giơ dao lên.
“Em cười có duyên đấy”.
“Ai cười hồi nào”, Tha không chịu.
Mụ Thàn đọc:
“Ai cười mà em lại có duyên
Có duyên chi với mấy thằng điên”.
Mo đáp:
“Thằng điên ngông ngỗng đi qua cổng
Mấy mụ điên hơn thấy cũng ghiền”.
Lại một tràng cười. Tha mài dào xoèn xoẹt. Mo bịt tai.
Hai người đàn bà giơ dao chặt xương rầm rập cùng một lúc, rộn ràng cả chợ. Mo nhìn lên, nghĩ bụng: “Cái cô này, trông cũng như người ta, nhưng hơi lạ”, nghĩ rồi chìa dĩa ra đòi cô bánh đúc cho thêm.
Ngoài đầu chợ tự nhiên nhốn nháo. Một gã trần trùi trụi chạy ra, rống lên:
“Ê, Thu Cúc! Thu Cúc!... Thúc cu!”
“Ôi dào, lại gã chủ chợ”.
“Cứ tồng vồng như ngồng lên nọc thế, ông ơi”, vài người khác thở ra.
Mo chạy tới xúm xít giở lấy tay nải của Thu Cúc vắt lên vai, nhe răng cười. Thu Cúc dáng đi khép mở nhẹ nhàng, giơ tay chào mọi người, thẳng xuyên qua chợ. Mo sung sướng theo sau, bước lăng xăng qua chỗ mấy người đàn bà nướng bánh quạt lửa than.
“Con gái đừng lên chùa chạy vòng vòng mất chồng nghe chưa”, mụ Thàn nói.
“Em chào các chị, các cô”, Thu Cúc nói. “Đều khá bán khá mua cả chứ ạ?”
“Thưa cô đệ nhất võ làng Tổ, cũng khá”, nhiều người đáp.
“Hôm nay cái gì cũng đắt, chỉ mỗi dưa là rẻ”, người khác cho hay.
“Thì để ăn”, Thu Cúc cười.
Rồi đi lại chỗ chị:
“Chị Tha”.
Tha bẽn lẽn:
“Cái gì em?”
“Sáng nay em lên chùa gặp được sư Thầy. Sư Thầy bảo: Chị tốt nết mềm duyên...”, Thu Cúc ngập ngừng.
Lại bảo:
“Người đẹp như hoa trên cành… Tiết có lành thì hoa mới có nở. Duyên sinh tạo nên người, có người cũng tự có phận duyên… Em lại bảo chị hay”.
“Thật hả em!” Tha đỏ mặt. “Tình chị biết đến bao giờ. Mòn mỏi đợi người, tháng ngày mòn mỏi đợi người... Nhòm qua khe cửa, thấy ai đâu?”
Mo ngẩng lên:
“Cười ngậm môi, chị ngồi giữa chợ…”
Thu Cúc quay lại, bặm môi.
Mo nói:
“Buồng ngủ chính chuyên
Gái cười hít má
Buồng ngủ chính chuyên
Gái hiền cây chuối”.
Mụ Thàn bảo:
“Cây chuối cây duối
Trật cu ra ngoài”. (1)
Tha bẽn lẽn nhìn em gái, thầm:
“Chị mặc chị. Chị chỉ cậy em”.
“Em thì không đâu”.
Tha bảo:
“Sao lại không?”
“Chỉ lo cho chị... Chị nhẹ đạo nặng đời”.
“Thì em vẫn hơn chị mà”, Tha nói.
“Em hơn chị, đẹp tuổi trời
Ra đi đầu buổi, người người ngóng trông
Mau mau kiếm một tấm chồng
Để cây hồng nhỏ dựa gần cây đa. Được vậy chị mừng”.
“Chị nói em thương nhất chị là
Duyên em không thắm, duyên mà không duyên
Em Thu Cúc, chút thuyền quyên
Về nơi cửa Phật mới vẹn tuyền chị ơi”.
“Cái em nhỏ này. Nói chi lạ...”, Tha mắng.
“Vườn cau nào chẳng dây trầu
Đá vôi nào chẳng chờ hồi thắm duyên
Nhà một chị, chị một em
Mẹ cha mất sớm, cạy em trăm bề”.
Thầy Nhàng đi tới. Thu Cúc xoay sang, cúi người:
“Dạ, em chào thầy Nhàng”.
“Ừ”.
“Thầy Nhàng đi chợ ạ”, mụ Thàn thưa.
“Ừ”.
“Nhờ thầy em có ít chữ”, Thu Cúc cúi rạp.
“Ừ”.
“Chị em có chút quà mọn biếu thầy”.
“Ừ”.
“Thầy về ạ”
“Ừ”.
Thầy Nhàng đi.
Thu Cúc lại gần chị, miệng sát bên tai, mắt liếc ra xa, thủ thỉ.
“Áo quần em để lại, chị khéo mà dùng”, Thu Cúc thì thầm.
“Thế em đi thật hả em?” Tha thút thít.
Mo ngẩng lên:
“Hai cảnh một nhà, chị một em
Em thời sáng sủa, chị lem nhem
Mắt liếc người ta, em bảo chị
Chị thời thút thít, đứng bên em”.
Thu Cúc đưa mắt về phía Mo, vẻ khinh khỉnh, đe dọa.
Mo nói:
“Cứ chèm nhem ra thế mãi à”.
Rồi đọc:
“Thôi hãy chồng đi, sẽ hết liền
Cái mềm cái cứng, ấy là duyên
Không đo không cắt mà chui lọt
Việc ấy đã đành phận chúng sinh”.
Mọi người rúc rích bụm miệng cúi xuống mà cười. Thu Cúc nhăn mũi đi thẳng lại đá vào mõm Mo. Mo lăn ra đất.
“Thưa cô, ai chẳng biết cô là đệ nhất võ nghệ làng Tó”, Mo lồm cồm bò dậy. “Nhưng thầy nào dạy cái nước giở cao giò thế?”
“Thầy này”, Thu Cúc trỏ vào đầu gối. Rồi giơ chân đá nữa. “Thế là cao hay thấp?”
“Tôi chẳng kể thấp hay cao, dầy hay mỏng... Cứ tuốt tùn tụt”.
“Tuốt tùn tụt”, Thu Cúc lại giơ chân đá.
“Đáng đời gã chủ chợ”, đám đàn bà nhoi lên. “Đã biết tiếng Thu Cúc mà còn dám trêu”.
“Thế mới mới ngu”.
Mo hển mũi:
“Ngu giơ cu”.
Thu Cúc toan đá thêm.
“Cô đi tu, hại cô, hại người ta”, Mo tức tưởi lăn ra. “Chơi cho biết rồi tu”.
“Người ta tu là có căn tu, ông ạ”, đám đàn bà nói. 
“Phải”, Mo quay lại. “Các bà đều có căn tu! Gõ mỏ thì ít cầm cu ấy thì nhiều”.
Đám đàn bà chửi bới Mo nhoi cả lên.
Thu Cúc quay lại chỗ Tha:
“Thôi chào chị em đi”. Nói rồi đeo tay nải khoang thai bước ra.
Chợt Thu Cúc đứng lại hít hít hai cánh mũi: “Cơm ai nấu khê thế?” Những người đàn bà đương lui hui thổi lửa đều run cả lên. “Chị chửa, cơm chị nấu phỏng?”
“Hại gì tới ni cô”, Mo nói. “Gạo người ta nấu mới khét mà lòng cô đã chua như cơm mẻ thế? Tu gì tu… Tu hú!”
Thu Cúc xăng xái đi lại chỗ Mo:
“Quên khôn rồi hử?” Xách tai Mo. “Biết thì giữ lấy mà dùng, đừng có đem ra khoe múa mà rướt họa vào thân. Nghe chưa?”
“Sợ chết khiếp đi”, Mo lếch ra.
Thu Cúc đi.
Một khách lạ hai tay xách hai đùm vào chợ.
Khách có dáng lêu đêu, cử chỉ ra chiều lúng túng. Nghe tiếng mụ Thàn chỉ dẫn:
“Lại hỏi cái ông bán ngỗng ấy!”
Khách dừng lại, ngó quanh:
“Ông bán ngỗng nào?”
Một cô be bé đương thổi lửa, ngước lên:
“Chú lại hỏi cái chú đang ngồi ăn bánh đúc ở kia đấy ạ”.
Khách rướn người dõi tới chỗ Mo. Mo càu nhàu:
“Gọi bằng chó còn liếm được miếng. Gọi chú thì bơ mỏ”.
Khách hiểu, cười ngượng, bảo:
“Cô ấy nói phải. Nhưng nào có là ông bán ngỗng. Ông cưỡi ngựa đấy chứ”.
Mọi người cho là hay, cười.
Mụ Thàn đọc:
“Người người ngựa ngựa
Đực rựa chầu rầu
Ngựa cho ăn trầu
Người ăn bánh đúc”.
Đám đàn bà rộn rã.
Khách áy náy, chữa:
“Người người ngựa ngựa
Cưỡi ngựa đi chơi
Cưỡi Đông cưỡi Tây
Ngựa ông ông cưỡi
Hại gì tới ai”.
Lại thêm một tràng cười lớn.
“Té ra cũng là người hay văn chương, nhỉ”, Mo nói.
Khách chắp cả hai tay:
“Bẩm ông, cũng chẳng ra gì”, nói rồi loay xoay ngồi xuống.
“Sao lại chẳng ra gì”, mụ Thàn nói. “Dáng dấp văn chương nho nhã ra phết đấy, không phải là hạng tầm thường được đâu”.
“Chẳng giấu gì các bà, các cô”, khách chào quanh mọi người. “Trước cũng có mơ làm văn nhân, thi sĩ, nhưng chữ nghĩa lôi thôi miết không được, thôi mới đi buôn. Mua ở chỗ gần, bán ở chỗ xa. Nay nhân tiện có một ít sách cũ, cũng đem đi bán nốt. Mọi người thương tình nhường cho một chỗ để bày hàng, xin đa tạ lắm”.
“Thì đã sẵn chỗ hẳn hay”, Mo nói. “Nhưng sao không chở tới luôn xe?”.
“Đa tạ ông”, khách nói, rồi vuốt một tấm giấy trải ra đất, thảy lần lượt từng cuốn sách lên trên. Một số cuốn, khách đều úp mặt bìa cả xuống. 
Mụ Thàn vọng tới:
“Thế việc bán buôn thế nào?”
“Cũng thường thôi bà chị ạ”.
“Buôn bán, sao gọi là thường?”
Khách có vẻ giận mình, ngâm:
“Buôn bán chi đâu, một cánh bèo
Ngày trôi ra chợ tối chuồng heo
Dăm ba cái chữ càng thêm khổ
Học mãi không xong một chữ nghèo”.
Mọi người cười ồ.
Mụ Thàn vọng đến:
“Vậy ra cũng chưa vợ con chi à?”
Khách phân trần:
“Người ta chim quyên có đôi
Tôi như con quạ đứng ngoài bụi tre”.
Người ta lại xôn xao, ồn ã. Mụ Thàn cười to:
“Thế thì cũng vất vả nhỉ. Nhưng này, sao chẳng biết thương lấy cái thân thế, sao cứ bèo dạt mây trôi mãi thế? Thì làm thế nào?”
“Chắc cũng tại cái số cả thôi bà chị ạ”.
“Số với siếc gì”, mụ Thàn gắt. “Như thế hoài hoài thì nào có hay hớm gì đâu chứ? Thôi, tối cứ phải ghé đến nhà đi, đặng… chị cho tá túc một ít hôm. Để chi cứ dãi dầm sương giá mãi…”
Người ta liếc mụ Thàn. Mụ Thàn đỏ mặt.
Người ta cười ồ.
Mụ Thàn bảo:
“Cơm mình thì đã ương ình lên rồi đấy, lại chả ngàn, cứ đi hóng hớt chuyện người dưng! Thôi, khá bán khá mua đi các mụ, chẳng khéo chợ trưa dưa héo hết cả lũ bây giờ... Phải không ông chủ chợ?”
“Phải!” Mo đáp. “Chợ trưa dưa héo, mà dưa héo thì cuống nó rụng, bụng phình lên”.
Người ta lại cười ồ.
Ở đám đàn bà phía chái nhà ngang của Mo chợt có người vọng tới:
“Ông chủ chợ ơi, có mấy cô đội bánh ít, bánh bò đến kiếm ông đây này, ơi ông chủ chợ!”.
Một giọng khác ngọt ngào:
“Đợi ông ấy tí nào, bốn năm cô”.
Mo thình lình đứng phắt dậy, mặt phình ra, ưỡng cái bụng đi tới như người mất hồn.
“Ai?” Mo hỏi quanh. “Ai thế? Ai kiếm Mo thế?”
Cười hết cả chợ.
Phiên chợ tiếp tục đông vui, người bán người mua dập dìu, tấp nập.
*
Bổn thả trâu trên đồng. Trâu Bổn nhởn nhơ gặm cỏ.
Bổn ở ruộng đồng chăn trâu cắt cỏ
Tháng tháng ngày ngày nghé ọ, nghé ơ.
Nhà bà lão Bờm có ruộng dưa. Bà lão ngày ngày quanh quẩn ở ruộng dưa, mồm cứ lẩm nhẩm tính, không biết là tính gì. Bà lão nói: “Ta dốt, con ta biết chữ, ta tính cho nó... Mỗi trái dưa học được một chữ”. Lại lẩm nhẩm tính, lại nói: “Ta dốt, ta không biết chữ, ta tính thử xem...”. Bổn thấy vui vui.
“Tôi là ông cuội
Ngồi gốc cây đa
Chăn trâu cắt cỏ
Cắt cỏ nghé ăn
Nghé chạy lăng xăng
Về nhà mách mẹ
Mẹ ăn mẹ khỏe
Mẹ đẻ nghé con”.
Bổn ngồi dưới gốc cây đa, phía trước là ruộng dưa, xa xa là bến sông xanh. Nhiều người tất tả qua sông, áo đỏ áo hồng bay chấp chới.
Tha về trên bến sông.
Bổn chạy với theo.
Từ phiên chợ, trên con đường đất, một người đàn bà hai vai hai gánh dài, dáng nghiêng tới phía trước, chân chạy thoăn thoắt, vạt áo bay tất tả, nhưng di chuyển chỉ được những quãng rất ngắn. Phía sau, một dáng cao lêu đêu, cằm ngửa cao, ngập ngừng từng bước một nhắp tới, ngó gần ngó xa, mới nhắp thêm bước nữa. Hai bên một màu nước bàn bạc, không biết ra ruộng hay hồ.
Cậu học sinh xách đùm thịt từ chợ đi về, dáng liêu xiêu theo bờ cây cỏ dại. Cậu là con của bà lão Bờm ở ruộng dưa, mồ côi cha từ bé.
Gặp thầy Nhàng, cậu né sang một bên, không chào. Thầy Nhàng xoay lại nhìn, rất sốt ruột.
Cậu học trò đi, nước mắt rơi lả chả.
“Nuôi ăn học, mẹ bao khó nhọc
Cầm tiền đi, ta giỡn với tình
Với tình hay với yêu tinh
Nhớ đêm sương muối mẹ nằm chỗ cha.
Thấy người đẹp, bụng mơ danh vọng
Giêng hai rồi, khéo lại giêng hai
Chơ vơ ngày rộng tháng dài
Về lo đèn sách, vâng lời mẹ cha”.
Nước mắt rơi lả chả. Cậu học trò lại đưa tay quệt nước mắt.
Bổn gặp thầy Nhàng trên đường.
Thường ngày, các học trò nghèo gánh sang nhà thầy một ít phân trâu bò, thầy dạy cho học. Ôm một bó rơm, một bó cỏ đến cho thầy lót chỗ nằm, cũng đem về được ít chữ.
Thầy Nhàng đi tay áo rộn ràng.
“Thưa thầy em không có chữ”, Bổn chào.
“Gánh sang nhà thầy một gánh phân trâu”.
“Thế thầy đi đâu đấy ạ?”
“Thầy qua nhà chú Dĩnh xin ít phân trâu về đổ gốc bầu có cái thầy ăn”, thầy Nhàng nói, vẻ thui thủi, một mình. “Kể cũng lạ, bầu bí mới nhú đọt đã ra bông, như thì con gái. Nhưng chóng nở cũng mau tàn, không như loài tùng bách kể đến vạn năm. Nhưng nhờ có trời, vì thế mà quanh năm có cái thầy ăn”.
“Thưa thầy, phân trâu em có”.
“Thầy qua nhà Tuyên xin cỏ”.
“Hay là thầy tới nhà Tha?”
“Thầy tới đó làm gì. Rát việt”.
“Nhà Tha hai má đỏ hồng. Trai chưa vợ, gái chưa chồng, thầy lại hổng ưng...”.
“Có mà điên”, thầy giận. “Thầy là thầy lớn, đi trên đường như quan ông đường đường chính chính, há màng rúc váy nhà Tha”.
“Thầy ơi, dục tình như con sâu bọ”.
“Ai mà chơi với nhà hàng thịt, cái đồ đĩ ấy”.
“Đĩ ở đàn bà
Đĩ ra giữa chợ.
Chợ gương chợ lược
Chợ Được chợ Tằm
Chỉ kim duyên nợ
Gương nằm lên gương”.
“Gương với chả giếc. Cái hình thật không thấy, cứ soi gương. Học chữ Tính sáng suốt không học, lại nhấp nhem vào chỗ chữ Tình mờ tối, quỷ ma”.
“Chữ Tính sáng, chữ Tình mờ tối
Tính với Tình, hai chữ có đôi
Theo nhau như bóng với hình
Như qua với bậu, như mình với ta”. (2)
“Rát việt”, thầy Nhàng gắt. “Tập đòi cái hư, bỏ quên trâu không chăn, về đến nhà cha mẹ đã răng long đầu bạc, có đưa miếng ngon cũng không ăn được, mi tình với tính đi tao”.
“Nhà Tha qua sông kìa thầy...”
Bổn chạy.
Nhiều người đứng đợi đò. Bến đò có cây gạo quanh năm reo gió, rũ mây, nghiêng xuống một bên nước, một bên bờ.
Bổn vừa kịp chuyến đò, lòng vui phơi phới.
“Thoát mình nhộng, nhộng bay thành bướm
Bướm rập rờn, bướm vắng thành sâu
Quanh quanh bờ cỏ, bãi dâu
Hội nào cũng đến, đò nào cũng đi”.
“Tha”, Bổn gọi.
Tha dừng lại, nhả gánh, tay quệt má, đứng nghiêng nghiêng bên dòng nước xanh.
“Bổn không chăn trâu à?”
“Bổn đến đón Tha”, Bổn vào gánh. “Bổn là Bản chứ không phải Bổn là Bổn. Bổn gánh hộ Tha”.
“Bổn gánh hộ Tha, Tha lấy gì trả Bổn?” Tha nói.
“Tha cho Bổn tới hầu hạ cửa nhà”.
“Bổn về giã gạo nhé. Nhưng... ai dẫn trâu về...”
Bổn ngơ ngác.
“Ruộng đồng bác ngác trâu ăn
Trâu ăn trâu lớn đẻ đàn nghé thơ
Đồng xa, xa tít mịt mờ
Trâu ta gặm cỏ, trâu chờ ta nghen
Gặp người xinh đẹp, gặp duyên
Người trao cho Bổn gánh miền ước mơ
Trâu ăn no cỏ trâu chờ
Người chăn trâu lạc đến bờ yêu thương”.
Cả hai cùng cười.
Dưới bến nhiều thiếu nữ chen chúc nhau xuống đò, mỗi người ôm một trái dưa sồng sộc trước bụng, đứng túm tụm đằng giữa, mắt lơ là nhìn sông trôi.
Tha, Bổn lên đò. Đò qua sông. Nước sông mênh mang. Đò cặp bến. Mọi người lần lượt dẫm mũi con đò chòng chành lên bờ.
Tha, Bổn, cả hai lại cười.
Bổn về nhà Tha.
Nhà Tha bầu mướp trên giàn
Dưới hàng trái đụng có ang nước đầy
Trong nhà cái giàn xây
Có gạo thơm trắng vui vầy trong chum
Nhà Tha có một bụi gừng
Bên cầu ao một, một buồng chuối xanh
Có gàu treo dưới mái hiên
Có chậu hương bưởi thơm miền tóc Tha.
Bổn xóc lúa vào thưng, cho vào cối, lên đầu chày giã gạo. Chày xập xình, xập xình. Tha sàn gạo, quệt mồ hôi, hai má đỏ ửng.
“Bổn mệt chưa? Để Tha giã hộ”.
“Tha với Bổn cùng giã”.
“Giã xong ta làm bánh nhé!”
Cười.
Đêm. Xây bột. Tha lấm tấm mồ hôi. Bổn quệt mồ hôi bên má Tha. Tha e thẹn. Bổn cưng nựng cằm Tha. Tha lại thẹn.
Chân va phải chân, lững thững dìu nhau đổ xuống giường như hai cây chuối ngã.
Giường tre.
Cót cét cót cét
Lần thứ nhất.
Cót cét cót két
Lần thứ hai.
Cót két cót cét
Lần thứ ba.
“Dâm lắm cơ...”
“Ứ ừ...”
Nửa đêm.
“Tấm trăng ai để trên cao
Ngô đồng một bãi vàng thâu đem này
Thuyền tình tìm đến bến đây
Nhờ cây chuối gửi hương bay ngát lừng
Giữa dòng vấp váp, chung chinh
Gừng cay muối mặn, xin đừng quên nhau”.
Lần thứ tư.
Gà gáy.
Lần thứ năm.
“Dâm lắm cơ”.
“Thây kệ. Cứ.. ư ứ...”
Buổi sáng.
“Cái dâm tôi ngủ dậy rồi”.
“Cái dâm tôi để mời người đến dâm” (buồn).
“Người đến tính chuyện trăm năm
Đứng nói không hết, phải nằm một khuya”.
“Khuyên người yêu cái dâm kia (vui trở lại)
Đừng đem bỏ chợ rẽ lìa hai nơi”.
Lần thứ bảy.
Trưa.
Tha giặt áo. Cầu ao. Hình ở trên, bóng dưới nước, mặt thấy rõ mặt, hình ấp lên hình.
Lần thứ tám.
Vào nhà.
Rào thưa nắng đỏ, áo lên phơi
Trưa nắng thơm hương cạnh chỗ ngồi
Có nhà mái rạ ong vò vẽ
Có khói thơm nồng hương tóc bay.
Lần thứ chín.
Bổn dựa vai Tha, mắt díp lại. Một giấc ngủ sâu.
Trong mơ, Bổn thấy một cậu bé vác cần câu đi dưới ruộng sâu. Tiếng hát vọng lên.
“Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng, chim vào lồng biết thuở nào ra...”
Bổn thấy mình đi tìm trâu. Chạy về cánh đồng bên hữu, không thấy, chạy về cánh đồng bên tả, cũng không thấy. Chạy về nhà, nhà cửa vắng hoe, cha mẹ đi đâu vắng hết. Bổn chạy ra bến sông. Bến sông cũng vắng, chỉ một người đàn bà ôm quần từ dưới sông lên.
Bổn tỉnh giấc, ngó quanh. Căn nhà yên tĩnh, không thấy Tha đâu. Bổn khóc, vội ra vườn. Nghe êm êm sau hàng rào có tiếng hát.
Bổn chạy tới cùng Tha hái lá, rồi cắp rỗ đi vào, chuẩn bị gói bánh. Một tay bưng lá, một tay cầm que tem bột.
Bất chợt cả hai lặng lại, đưa mắt nhìn nhau.
Hương Trưởng tới.
“Mẹ Tha đâu?”
“Dạ, bẩm thầy Hương Lý”, Tha ra.
“Thầy là thầy, thầy tới nhà Tha vì nghi sự Hương ước làng. Các con ra đây thầy bảo. Thầy là quan lớn, thầy ngồi bàn trên. Nghe chửa?”
“Dạ, bẩm thầy”.
“Mẹ Tha đâu? Sao thuế má không nộp?”
“Dạ, con có chút quà mọn biếu thầy”.
“Nhà mẹ có chút quà mọn đâu, sao để nhà giai này tới không còn giữ chi nết vậy? Nhà Tha phải ra đứng trước Tôn thất hương ước làng, bị đánh cho trăm hèo vì tội dâm, làm hỏng thuần phong mĩ tục, rõ chưa?”
“Dạ, bẩm thầy. Oan cho nhà Tha con. Con nào có là gái lăng loàn ạ”.
“Phải, mi không lăng loàn ít. Đem mẹ Tha ra đánh cho trăm hèo”.
Đội tra hình ra.
“Đánh vào mông đít. Dâm tại trận, đánh vào mông đít trăm hèo trước, sau phải đem bêu ra làng. Nhà mi ba đời ăn cám, ở bẩn, làm đồ tể ở chợ đẻ ra mi, mi không nên chồng thì chớ, lại còn giở trò dâm hoạn, làm xấu cả họ trên bàn thờ tổ. Bia làng Tổ còn trơ trơ, tha cho mi được ru? Đánh trăm hèo, rồi cho trùm vải rách, lột chân không thả ra ngoài đường bêu riếu trước cả trăm họ”.
Tha bị nọc đánh trăm hèo, lại bị làm như lời Hương Trưởng nói. Đàn bà con gái đứng dọc đường dùng đồ bẩn ném vào Tha. Tha không hiểu tại sao tự dưng mình bị lột trần như thế đi ngoài đường, vai rách chảy máu, ai muốn lấy đồ dơ gì ném vào cũng được, cứ khóc hu hu.
Bổn mặt đầy máu, bỏ làng chạy dọc sông, té.
2.
Nhiều năm sau có một vị khách trở về cố hương.
“Đường rất xa, xa tít chân mây
Thương nhớ trăm năm vẫn một người
Bao nhiêu nước chảy sông rồi nhỉ
Hoa cỏ đòng đòng, cảnh cũ xưa”.
Khách bảo:
“Ai bảo ta”.
Người ấy thở dài:
“Biết về đâu
Đồng xa ngái.
Nước chảy mây trôi đứt ruột.
Cái tình là cái chi chi”.
Lại hát:
“Con diệc con dộc
Đứng đồng cỏ đất
Nó con ai?”
“Chết dịch! Chết dật”, khách chửi.
Hát nữa:
“Lòng đã đau, nếm gai nằm mật
Sự sống buồn quạnh quẽ tháng ngày
Ta mơ những giấc mơ dài
Nỗi sầu đồng ruộng
Biết đi đâu về đâu
Ai đem tiếng sao thổi vào trưa
Đồng quang mây gió
Cây gạo bến sông xưa”.
Trâu Bổn mất rồi.
Khách một mình qua sông. Sông rộng. Khách đã thiu thiu ngủ. Nước chảy nhẹ. Giấc ngủ an lành. Tha.
Giữa đường cái lớn, thầy Nhàng bước đi. Thầy chửi:
“Mẹ khỉ bọn học sinh, học không ra học, hành không ra hành, ra đời thành du đảng đoạt lợi tranh danh, không trọng chữ nghĩa. Mặc xác thiên hạ đi. Ta vẫn là thầy lớn, như quan ông đường đường chính chính, say rượu có say, tình đời mặc xác không say”.
Thầy đưa hủ rượu lên nốc ồng ộc.
“Công danh hỡi, ới công danh
Vợ bỏ chồng, chồng lánh vợ
Vào chốn lầu xanh
Người người vào chốn lầu xanh
Mẹ khỉ cái đời xanh
Bạc phếch xây thành”.
Mo chủ chợ ngồi trong chợ không còn chợ. Đám ăn mày đứng đầy sàn múc nước lu tắm. Hỏi gì Mo cũng không nói, chỉ nói có một câu: “ầm bà lằn”. Đất của Mo rộng, con cháu đông đúc cắt chia nhau ở, tắm chung một sàn ở chỗ bụi chuối cũ. Mo bị con cháu đuổi ra khỏi nhà vì tội nát rượu, hết thời, dùng vật nửa mềm nửa cứng ném theo. Thời trẻ Mo phải tội dê, gieo duyên khắp chợ trời, ai xin gì cũng cho, ai đưa gì cũng nhận, thành thử con cháu đầy đàn, lại gặp thời buổi có nhiều tranh chấp, bị chúng đuổi ra khỏi nhà, về già thui thủi ngồi xó chợ cũ.
Khách trở về nhà cũ. Cha mẹ chỉ còn hai nấm mộ. Khách đi quanh làng, chẳng tìm thấy một người quen. Làng tiêu điều, phố chợ mới nổi lên, nơi nơi bán buôn, nhiều hàng quán mới, tiệm cao lâu khách làng chơi dập dìu.
Đêm. Trăng xuống bến. Nước sông vỗ vào bờ. Bãi ngô xa. Nón lá qua sông, cầu gãy giữa chừng. Hai bên bờ đứng trông nhau. Họ hát:
“Phận duyên xưa dẫu không tròn
Tôi đây với mợ hãy còn thương nhau
Đêm thâu trăng suốt đêm thâu
Trống canh giữa bãi giãi dầu sương tơ
Thương nhau chín đợi, mười chờ
Kiếp này không trọn đành nhờ kiếp sau
Qua cầu dẫu té sông sâu
Thân dù có mất thương nhau vẫn về”.
Tỉnh giấc. Khách đi vào phố huyện. Nhiều người chòng kéo. Chơi. Chơi chi? Chơi đêm, chơi tình.
“Có phiên chợ mới à?”
“Dạ, chợ, chợ tình”.
“Chợ tình chi?” Khách trố mắt.
“Đại nhân!” Một kẻ sán tới. Kẻ này tươi cười đưa tay mở lối: “Sẵn bao tiên nữ chốn lầu cao. Tha thẩn đi đâu chẳng ghé vào…”
“Hả?” Khách sững lại. “Tha gì?”
“Ngài muốn hỏi chuyện thế sự ạ?...” Kẻ ấy cười xòa, xoa hai tay. “Cứ bắt lấy một cô, thì sẽ rõ cả…”
Khách giật mình, cười, mặt mày đen tối, đi thẳng vào.
Lựa hành lang bước lên. Một tiểu a đầu một tay cầm chổi lông gà, một tay cầm bình xịt, mở cửa phòng bên này, xịt, phòng bên kia, xịt. Thấy có một vị khách đường đột trên hành lang, liền chạy theo: “Này ông ơi!” Khách dừng lại, xoay người ra sau. Khách nhìn vào một chỗ rách trên vai áo của tiểu a đầu. Tiểu a đầu cúi rạp: “Dạ kính ông, con không dám”. Nói rồi quay ngoặt người ra sau chạy ầm xuống cầu thang. Ầm! Nó té lộn nhào. Khách sững người, đứng hẳn lại.
Phía trước có chỗ sáng, khách liền bước tới đó. Một phòng rộng. Khách vào, ngồi xuống bàn.
Phía sau có mành che, có tiếng cười nói rúc rích, tiếng ăn trắc.
Mụ chủ chứa ra.
“Cha chả là tiền”, khách nói.
“Thưa, tội ở người, tội nào có ở tiền, suồng sã chi thêm đau lòng dù toàn là phường bạc nghĩa”, mụ chủ chứa đặt mông ngồi xuống đáp lời.
“Mụ cũng có chân cảnh lắm, nhỉ?” Khách ngó quanh. “Nhưng ta cửa chính vào đây, ta không nói tới cái lễ trước, thì nói đến chi?”
Mụ nhà thổ mở một nụ cười nhẹ nhõm:
“Chúng tôi thật không dám mạo phạm, thật không dám. Được cái vinh hạnh một bậc đại nhân đến thăm đây, chúng tôi niềm vui nỗi mừng còn chưa thể kể hết, thì nào đã có cái ý làm mất lòng ngài ạ? Ở đây toàn là người nhà cả, quý đại nhân không chê trách bọn đàn em chúng nó non nớt, vụng cái lễ, thì xin vui lòng lưu thân ở lại, để chúng tôi được hết lòng đón tiếp…”.
“Sao mụ gọi ta là đại nhân thế! Mụ có ý gì thế?”
Mụ nhà thổ thẹn thò:
“Trông cái oai tướng thế, sao ngài lại cứ giữ cái khiêm nhường thái quá dường ấy chứ ạ?”
Khách thoáng nhìn lên mặt mụ nhà thổ, rồi ngẫm nghĩ.  
“Cũng không hẳn… Nhưng giữa chốn phàm trần cũng có những thiên nhãn thông chăng?… Nhân gian gọi là trông mặt mà bắt hình dong… Điều ấy gọi là thiên nhãn thông chăng?” Mắt khách chợt sáng lên. “Không biết được, không biết được! Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh! …Ấy là Đức Khổng Tử…” Khách lẩm nhẩm đủ điều, rồi tay sờ chập xung quanh người, moi kiếm tiền bạc, lần lượt sắp cả ra bàn.
Mụ chủ nhà thổ kinh hãi trố mắt, người cứ chập chờn, chập chờn theo mỗi động tác của khách:
“Quý đại nhân thương tình, quý đại nhân khai ân…”
“Mụ sao thế?” Khách ngẩng lên, đột ngột ôm cả tiền vào.
Mụ nhà thổ rối rít:
“Dạ kính thưa, xin ngài… Thôi hãy chẳng cười chê chúng tôi hạng đàn bà hẹp trí, thấp hèn. Có điều không phải xin đại nhân bỏ quá cho. Chúng tôi dám lắm lời! Nhưng thực cái bụng, hễ lúc mặt chạm đến tiền thì cũng phải chỗ dạ thắt lòng đau, đến nỗi quá đỗi bối rối đấy thôi ạ…”
“Mình phận đàn bà”, mụ nói tiếp, “đem thân mua vui cho thiên hạ, nước mắt có rơi thực cũng bị người đời cười là dối dang. Đã thế, hằng ngày còn phải chịu bao thứ phạt vạ, thuế than, ngài biết đấy, hằng ngày hằng tháng, chúng lũ lượt mò đến đây hạch họe, kiếm ăn, kể cũng đủ đến trăm điều khó... Ngài rộng lượng khai ân, chúng con nào dám xem nhẹ đâu ạ, nào dám đâu ạ…”
“Thôi hà tất phải nói nhiều! Mau cầm lấy tiền ra chợ mua khăn mà lau nước mắt đi! Ta xem các người cũng có bịnh nặng lắm, thì cũng cần đến tiền mà chạy chữa thuốc thang!”
Mụ nhà thổ hốt hết cả tiền về phía mình, rồi quay lại quát to:
“Này lũ dơ dúa các bay, không được hàm hố cười đùa, biết phận, hãy đến hầu đây, nhờ lượng rộng rãi, nghĩ chẳng sá bận tâm, khách không trách mắng, thì hãy mau giấu lệ xấu hổ đi mà ra quỳ rạp dưới chân”.
“Gớm!”, khách nhăn mặt. “Các ngươi hằng ngày đón rước những tên đầu trộm đuôi cướp như ta đều bằng cái nghĩa cử ấy cả! Dễ loạn cả trời…”
Tha bước ra. Mặc áo suông, kín cả người, cổ có đeo vòng cồng. Vòng cồng bằng bạc. Tay áo cũng kín, có thêu rằn.
“Không làm bận khách, xin cáo từ”, mụ chủ lui.
“Được tiền thì chạy như oách ấy. Đã nói tới tiền thì đừng động tới ba thứ lời... Tôi hỏi cô, tôi nói sai chỗ nào?” Khách giận dữ.
“Toàn là tiền, toàn là đĩ. Khách dạy phải, chút phận mua vui không đáng, xin đừng giận, hại tới can anh hùng”.
Kỹ nữ đi vào sau màn. Chu toàn thân phận, thoát y nằm đợi sẵn. 
Ở bên ngoài bức mành mành, khách ngồi cau có, lóng tai nghe. 
“Một dòng phẳng lặng, vạn tùng quân
Thiên địa xa xôi mỗi chữ tình
Đã giáng phong trần, thôi cũng mặc
Chữ đề khi gãy, có khi linh.
Đoạn ngắn đoạn dài, trằn trọc mãi
Kèn cựa đôi bờ, lẻ, lại chung
Một dòng mưng mẩy bao giờ dứt
Đoạn này quạnh quẽ, lặng hay linh”.
Khách bảo:
“Lời lẽ khó hiểu quá. Tôi không ép cô”.
“Đương khi lửa dục bời bời
Tay bưng tay vịn, chờ người đảm đang
Có chàng công tử đi ngang
Mời vào cái góc dở dang thiếp này”.
Khách bảo:
“Được!”
“Chàng vào góp sức giã, xây
Để cho cái nghĩa cối chày ở chung
Chàng ơi, lửa nóng bừng bừng
Một mâm bánh thịt kịp bưng lên hầu”.
Khách nhăn mặt: 
“Không chịu được”.
Lại bảo:
“Tân nhạc”.
Yên lặng một chút, kỹ nữ hát, giọng đi ra từ trong thân phận, sâu lắng:
“Khổ thân em chờ đêm đợi ngày mong
Tình yêu của em ngoài vắng trong buồn
Ngước nhìn một dòng sông trắng
Nghe đời dạt dào cay đắng
Nhớ thương anh em đợi chờ anh”.
Khách bỗng thẩn thờ, phất màng đi vào, thấy kỹ nữ khỏa thân ngồi khấp mình trên giường, mặt nhìn ra dòng sông lặng lờ bên ngoài.
Thoạt thấy trên vai kỹ nữ có một vết rách, khách vội đi lại, hai tay chụp lấy đầu, vặn mặt kỹ nữ ra phía sau nhìn.
“Tha...”
“Bổn...”
Bốn mắt ràng rụa nhìn nhau. Nhưng không nhìn lâu hơn được.
Bổn ôm Tha, Bổn khóc. Tha cũng nước mắt đầm đìa, vội mặc đồ, xỏ guốc, lúc ôm trật cả guốc, rớt cả manh áo che ngực ra.
Con Hương Lý đến.
Con Hương Lý đọc:
“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa thì quét lá đa”.
Mụ chủ chứa kinh hãi, rống:
“Đứa nào báo tin? Đứa nào báo tin cho thằng chủ Lý?”
“Dạ, không phải con, không phải con”.
“Lạy ông chủ Lý. Xin ông bớt nóng cho. Con cúi lạy ông. Ông đừng...” Mụ chủ chứa niếu chân hắn.
“Tha, Tha đâu? Ta giết mụ. Tha đâu?”
“Trời nổi giông tố rồi các con ơi. Lên quỳ lạy khách chạy. Giữ con Tha lại. Con đĩ, giữ nó lại. Nó lấy máu dơ bôi trét cửa nhà bà. Giữ nó lại...”.
Tha té xuống sàn. Bổn đỡ dạy. Tha rối rít.
“Kiếp sau, kiếp sau mong chàng hãy đến. Thiếp đợi chàng ở gốc cây gạo, bến đò… Thiếp không giữ được mình. Bổn ơi, bao nhiêu nước mắt... Thiếp phải từ biệt”.
“Bổn đến tìm Tha”.
“Bổn chạy đi, để cho Tha chết. Tha chỉ là đĩ, không hại tới Bổn. Em Thu Cúc...” Nàng khóc.
Đùng đùng!... Đùng!
Đã có tiếng phá đập và chạy lên cầu thang.
Chục tên đá cửa xông vào. Bổn xông ra. Cả đám lớn xốc Bổn lên cao nện xuống sàn. Ầm. Bổn lọt xuống bên dưới. Tiếng chân đùng đùng chạy xuống theo. Bổn nằm trên vũng máu. Tha té dài.
“Dòng giống chó má các ngươi. Dòng giống súc vật các ngươi”. Tha rủa. Thằng chủ Lý tới dùng mũi giầy đá vào ngực Tha. Tha bật ra, chùi miệng, định mở lời chửi rủa nữa thì thằng chủ Lý đã lại xấn tới đá, rồi dùng bàn chân đạp vào vú nàng, dùng đầu gối đè trên lưng, nắm tóc kéo ngược ra sau, nhét tiền vào trong miệng nàng. Tha ú ớ không nên lời. Hắn bóp cứng lại một lúc, rồi xô đầu nàng xuống nền gạch.
“Đồ đĩ, tao đ.. mày đã rồi. Mày xài tiền tao, tao cho mày ăn rồi... Tao cho mày ăn nữa”. Thằng chủ Lý điên dại đi quanh.
“Đem hai kẻ này ra dìm xuống cho chúng chết chung. Dìm xuống nước. Những đứa bay chung tình thì phải chết chung. Chúng yếu đuối, chúng phải chui xuống làm rong làm rêu, chúng phải chịu tội truyền đời, chúng là ốc bò ăn bám nằm dưới lòng kênh nước từ nhà thổ chảy  ra. Cho chúng thành chim loan chim quốc đi. Nghe ta nói đây: Xưa cha ta thì hương ước làng, nay ta thì hương ước tiền!”
Bổn vùng dậy đánh thêm mấy lần vẫn bị quật ngã xuống. Bổn dùng các đòn của phái võ Đang, một đánh ba, thế đánh vô cùng dũng mãnh. Nhưng càng đánh chúng túa đến càng đông, lại bị quật ngã xuống. Bổn vùng dậy, nhiều kẻ văng ra, nhưng những con khác đã ập tới một lượt. Biết bao oan trái trong lòng, nộ khí xung thiên, Bổn thu hết sinh lực đứng dậy, tự giác biến hóa, đánh đòn “thất sủng thiên tâm”. Một cú quay cuồng ra bốn phương tứ hướng, ở gần ở xa lực của chàng càng quét một lượt. Tất cả ngã rạp xuống, bò đầy sàn, một ý vùng dậy lại ộc máu ra, chỉ còn thấy Tha té dài. Họ hàng mụ nhà thổ kinh hoảng, đều quỳ cả xuống lạy dài. Bổn nói một tràng chữ nghĩa mông lung rồi bước tới xốc Tha lên vai đi ra đường.
Ra đến ngoài đường, đi mãi, dọc phố xá đèn sáng trưng. Lòng cô đơn nặng trĩu. Ra đến bến sông, dưới cây gạo, gọi đò sang bến bên kia. Nhưng gọi mãi vẫn không có đò sang. Mặt sông phẳng lặng, cồn cào thêm bao nỗi thê lương.
Tha xin xuống khỏi vai Bổn, rồi rủ mình cúi rạp dưới chân Bổn xin cho Tha gieo mình xuống sông.
“Bổn ơi, Tha còn có em Thu Cúc, Tha nguyện trước lúc mất gặp em Thu Cúc một lần, xin Thu Cúc gieo duyên trần gặp Bổn kiếp sau. Thân đà nhơ nhuốc, Bổn để mặc Tha...”.
Bổn rần rần sát khí, lòng sầu thảm không cạn dứt, cứ đứng im. Tha dùng dằn, hai tay cầm lấy cái vòng cồng trên cổ, đẩy lên. Vòng cồng mắc cứng ngang mũi, nàng cũng hết sức đẩy, đến sướt cả một đường máu dài. Nàng liệng cái vòng cồng xuống sông. Bổn quay lại.
Bổn đến ôm nàng, nghe ở trong lòng nàng rút ra từng cơn dữ dội. Những âm thanh ấy Bổn nghe rất rõ.
Bãi dâu xơ xác, bến sông nhiều tiếng chim đêm kêu da diết. Mờ mờ ảo ảo phố huyện đằng xa. Ngôi chùa làng Tổ trên hòn Cao Tổ rọi xuống, có bóng dáng trắng dài hiện trên mặt sông. Bất chợt cả hai hướng ra sông, cùng trố mắt ngó. Bồ Tát qua sông… Bổn chống lại, quyết đi ngược.
Kẻ trước người sau lang thang phố huyện. Trên phố có đám người say rượu dắt nhau té trầy trật, hai bên hàng quán đông đúc. Bất ngờ có tiếng kêu la và một người cầm dao chạy ngời ngời giữa phố. “Con điên”, nhát dao của kẻ phận làm con vừa kêu hai tiếng “con điên” bổ xuống. “Cha điên”, kẻ phận làm cha vừa kêu hai tiếng “cha điên” né được dao cũng tự nhiên la rống đập đầu xuống đường. Nhặt trở lại dao, kẻ bạo phu nhằm lấy thân mình mà đâm mà chém vào. Phía sau, một đám người mặt mày đầy sự kinh khủng cùng lúc ập tới, vừa can gián vừa dãy dụa, la rống không kém thua. Lại một đám khác từ trong quán xông ra la hô “cướp cướp”. Không hay biết gì, tự động Bổn hung hăng xông ra chặn đánh. Người ở trong quán cũng xông vào. Bổn đánh điên cuồng, giật cả dao đuổi theo nhiều người, từ ngoài đường vào đến sân, lên cả trên lầu, lục cả vào trong ngóc ngách. Nhiều gái điếm ôm quần áo chạy túa ra. Bổn càng điên dại, đuổi đánh tới cùng. Tha chạy theo ngăn cản nhưng không sao ngăn được. Tha quỵ xuống, nước mắt chảy dài. Bổn quay lại: “Cái chỗ lúc nãy đi ra cái là chỗ nào?” Bổn gầm lên. Tha đau đớn ôm mặt ngồi thụp xuống.
Dặm phố dài, đã về khuya, chân trời có những áng đen đỏ thịnh nộ sững sờ. Hai người lại lững thững đi như người điên. Lại thấy cậu học trò ngày xưa của thầy Nhàng. Cậu học trò khum người, mẹ ở trên lưng.
“Con cõng mẹ, con phi như ngựa thế hở con”, mẹ chàng mắng chàng, đánh chàng.
“Thưa mẹ”, chàng quệt mồ hôi trán. “Chỉ một đoạn nữa thôi đã về tới nhà rồi mẹ ạ”.
Mẹ chàng càng giận dữ đánh chàng.
“Con hư, con hư thân, đi đường đưa mắt ngó người ta, không lo cho mẹ”.
“Thưa mẹ, con hư thân, con hư thân”.
Bà mẹ khóc. Chàng phải đứng bên hầu để mẹ nguôi giận, mới lại cúi xuống đưa lưng cõng mẹ.
Có cô bán bánh bên đường đứng trông ra.
“Mẹ đói, mẹ muốn ăn cái bánh kia”.
Chàng đặt mẹ xuống, chạy lại cô hàng bánh:
“Cô ơi, bán cho mẹ tôi cái bánh này”.
Cô gái trao bánh, nhưng nhất quyết không lấy tiền.
“Không được, tôi có tiền, cô cầm giúp cho, kẻo mẹ tôi chờ”.
“Chàng là người con hiếu thảo, em không lấy tiền chàng. Nghĩ tới em, mong chàng hãy nhận cho…”
Chàng nhìn cô bán bánh, ngạc nhiên, chẳng biết xoay xở thế nào, cúi người lạy tạ, rồi chạy ra.
Tha đứng lại nhìn, vừa hổ hẹn, vừa tủi. Tha mồ côi từ nhỏ, nghĩ đến bao nhiêu nhọc nhằn, lầm lạc mà không cầm được nước mắt. Cha mẹ Bổn đã mất, bất ngờ chàng nghi hoặc bao trùm, sân hận lên đến trời cao. Quyết không xoay chuyển, chàng dẫn thân xồng xộc đi tới. Người trước kẻ sau, lang thang ngoài bờ sông hoang dại. Dọc bờ sông, vài người cà khật đi châm cá, bắt ếch, lội từ đầu cống phố huyện ra, lại ngược về phía sau lưng dãy nhà trọ, các quán nước, hàng ăn, lội đi giữa đám bịt bùng những cây dại, băng vệ sinh, mẻ chai.
Nhiều ngày chưa ăn, vừa mệt, vừa đói cồn cào. Đi qua chỗ có hàng ăn đề hai chữ bình dân, Tha thẩn thờ đứng lại. Bổn vào quán. Tha theo, cùng ngồi xuống ở góc bên kia bàn. Bà chủ quán bưng ra mì sợi, thêm tương ớt, rau húng, chanh. Tha ăn hơn nửa bát, rồi mới dùng một vắt chanh, một ít rau húng. Đang còn dang dở bát nước, thấy Bổn cụ cựa, Tha đã vội lận hông lấy tiền. Nàng sắp tiền cắc xuống mặt bàn, thành một chồng cao hơn lóng tay. Số tiền vừa đủ, không phải thối lại. Nhìn thấy tiền, Bổn đột xuất đi ra ngoài, nước mắt ràn rụa. Lại nghĩ đến bao nhiêu tình cảm mình đã ôm mang mà lòng tủi thân vô hạn.
Lại lặng lẽ đi theo nhau, nói nhau nhát gừng, tự động lê chân lên những bật đá hòn Cao Tổ.
Cảnh chùa.
Các bậc đá dẫn lên. Nhang đèn, hoa cúc rơi vãi bên cạnh những bức tượng thần tài, thổ địa sứt mẻ dọc hai bên bực đá.
Bên trong đang lễ cầu nguyện.
Một tiếng chuông ngân, hội chúng cùng cúi rạp.
“Mong cho tôi không oan trái với mọi chúng sinh”. (3)
Một tiếng chuông ngân.
“Mong cho tôi không oan trái với mọi chúng sinh”.
Từ dưới bậc đá, một người từ hướng phố chợ ầm ầm chạy tới, nhảy xuống xe, lạy liền mạch vài chục lạy rồi nhất bộ nhất bái lên chùa.
“Mong cho tôi không oan trái, với mọi chúng sinh”. Lạy.
“Mong cho tôi không oan trái, với cha tôi”. Lạy.
“Mong cho tôi không oan trái, với mẹ tôi”. Lạy.
“Mong cho tôi không oan trái, với người anh em tôi”. Lạy.
“Mong cho tôi không oan trái, với các con cháu tôi”. Lạy.
“Mong cho tôi... bà vợ tôi...” Mặt phồng lên thống thiết, rồi gập người xuống khóc rống.
Thu Cúc như vầng trăng bước ra.
Gã phàm phu lạy dồn dập. Thu Cúc đưa tay ra gọi:
“Ông hãy đứng lên. Nào, hãy đứng lên”.
Người ấy ngẩng đầu, mặt giật rung.
“Sống đời khổ lắm cô ơi, khổ lắm cô ơi”.
“Ông đem thân ông vào chảo dầu sôi, bảo sao nó không nóng. Tâm ông lành, ông lấy đá chọi vô, bảo sao nó không la rống lên. Củi nào đun vào bếp không cháy ra tro, có gì đáng ngạc nhiên đâu. Ông hãy đứng lên”.
Người ấy lại chắp tay lạy rối rít.
“Nhưng con khổ, con khổ, cô ơi… Con đã quyết không thù ghét cha con, nhưng con đã lại cầm đến dao...” Người ấy hu hu. “Cứ thấy ông ta là con không chịu nổi”.
“Ông ghét cha ông thì ông phải đánh thôi. Ông không tu tập cái trí hay biết, thì cái ghét nó cứ dẫn ông đi. Ông chẳng thương cha ông sao”.
“Thương cứ thương, mà ghét cứ ghét. Cô ơi, sống làm chi thời mạt pháp, để con chết đi cho xong. Ma quỷ đầy người, nó khiến con cầm dao xách rựa, dí theo cha đẻ mình ra, la rống điên khùng ngoài đường ngoài sá... Hư..ư...”.
“Ta khá khen ông đã biết thế”, Thu Cúc xoay vào. 
“Nhưng có chuyện gì đâu”, Thu Cúc xoay ra. “Được làm người, như thế lại hay”.
Một cái gì vừa được phóng thích bay lên, gã nghịch tử bỗng thống thiết giơ cao hai tay lạy rập xuống như vừa thấy ra toàn bộ đường lối của mình.
“Nào, bây giờ thì ta hãy vào dùng cơm với hội chúng đi”. Thu Cúc vào.
Thu Cúc trở ra.
Bổn, Tha, hai người ngước lên nhìn cô em giỏi võ thuở nào bấy giờ với tâm trạng hốt hoảng, tự động quỳ rạp xuống chân.
Thu Cúc đỡ lên.
Tha ngẩng mặt, miệng khe khẽ:
“Em...” Nói rồi úp mặt luôn dưới đất.
“Em đã biết, chờ đón hai anh chị lên hôm nay. Chị đứng lên nào. Chị nhìn lại xem, chị không là chị, thì hà cớ gì chị phải khóc?”
Tha bỗng giật mình. Bổn vội vàng rắp lại chỗ cũ lạy dồn dập, như bày tất cả cái khổ sở tan hoang ra trước mặt Thu Cúc
“Thích Ca Mau Ni Phật.
Người vô thường, vô tánh. Đời vô thường, vô tánh. Không nhầm lẫn đóa hoa cúc mùa này với hoa cúc mùa trước. Không nhầm lẫn hôm nay với ngày đã qua. Mỗi ngày là một duyên mới phát sinh, ân phước mới không nhúng vào lọ mực đen tối hôm trước, giờ trước, giây trước. Yêu nhau giúp cho nhau thông sáng thiện giá trị, tìm đến cảnh giới lành, giúp nhau giải thoát nghiệp khổ đau.
Mười kiếp thân thích mới nên đạo vợ chồng. Trong mười kiếp ấy đã tạo bao khổ nghiệp, nợ trả xong đã đến bờ vui. Anh chị khéo quay lại nơi mình, tìm hưởng phước thanh cao, dám quay về nơi yên vui, Phật, Tăng sẽ độ trì, gia hộ.
Thích Ca Mau Ni Phật”.
Tha gập người dưới chân em, thấy ngay cả mười ngón chân của em mình cũng thánh thiện, nghĩ được bao nhiêu an ủi.
Đã vào chiều, sân chùa mờ ảo lại, bóng tối lan tới, hai con chó chạy lủng lẳng trên sân, móng đánh lên nền đá nghe trót trắc theo vị tăng ni quay vào.
Bổn nắm tay Tha, cả hai cùng vào quỳ trước tượng Phật. Khi ngước nhìn hình tướng Người lòng bỗng tràn ngập một một niềm xúc động lớn lao. 
Tha lạy mãi. Rồi đột nhiên nàng khẽ kêu lên một tiếng, người xoay xở loay hoay, mắt nhìn sang Bổn. Nàng rối rít toan khóc to.
Bổn nhìn sang, rồi lại gần khẽ kéo áo Tha lên nhìn. Tha vừa như kêu cứu, vừa muốn đẩy Bổn ra. Bổn mạnh dạng cúi sát háng Tha mà nhìn. Có một đám ướt to dưới quần. Chẳng nói gì, Bổn luồn một tay xuống xốc Tha lên, tay kia giữ lưng, vội vàng chạy xuống các bậc đá.
Ngoài trời tối đen. Vẫn y tư thế ban đầu, họ tìm đường về nhà cũ.
...
Trong lúc Bổn đang tính sửa san lại chỗ ở chút ít thì Tha đổ bịnh nặng. Tha đứng không vững được, nhưng ngồi đâu thì đái đó, nước đái ướt ra ngoài quần, cửa mình thì chảy ra một thứ nước bẩn, mùi hôi thối. Chỉ non một tháng Tha đã gầy hẳn bởi nhiều thứ bệnh tinh thần, thể xác cùng ập tới một lúc. Nàng nằm liệt giường, người rút hẳn chỉ còn 30 ký. Bổn chạy thày, thuốc men hàng ngày bệnh vẫn không khỏi nhưng chàng vẫn thao thức tìm phương chạy chữa. Tự bỗng chàng trở nên rất nhạy cảm, hiểu biết, chàng có thể bắt mạch và sờ hơi nóng mà biết làm gì cho có lợi. Chàng lựa nhiều thức ăn thanh, nhiều loại cây thuốc sắc bằng siêu động viên Tha uống, lại ngồi bên cạnh xoa bóp nhiều giờ, cả đêm. Chàng dùng tất cả các phương tiện trong người dìu dẫn dòng khí huyết trong thân thể Tha trang trải đều khắp cả người nàng, lại đặt ngón tay cái vào giữa lòng bàn tay Tha, thoa nhẹ, mỗi lúc Tha ngủ người cứ co rút lại, những ngón tay nắm chặt vào nhau. Khi sờ thấy toàn thân Tha buông lỏng, hơi thở sâu và các ngón tay được để thẳng dài Bổn mới yên tâm, nhưng cũng không rời khỏi giường vì giấc ngủ Tha rất cạn, nghe mất hơi người ở bên cạnh tự bỗng thức giấc, rơi vào tình trạng sợ hãi, hoang mang. Khi ngủ, Tha thấy mình như một hơi không khí đi vất vưởng trên khắp các cánh đồng, nhiều lần tưởng đã đứt khỏi duyên trần bay đi mất. Khi tỉnh ra nàng tưởng như mình từ cõi chết trở về.
Lại một lần khác, cũng như thế, nàng thấy mình đội nón lá đi dọc phố huyện tìm mót cái ăn, trên đường nàng gặp một người đẹp đẽ như thần. Người ấy đứng bên một cỗ xe đẹp. Nhưng người ấy có đôi mắt rất lạ khi nhìn nàng. Lúc đi qua, người ấy có đánh rơi một đồng tiền vàng. Nàng thấy mình biển lận đồng tiền ấy, vì nghĩ rằng người ấy không hề hấn gì với đồng tiền đó, lại nhầm lẫn rằng người đó có tiền rất dễ. Rồi một sự chạy trốn, một sự dối trá quanh co trước rất nhiều người đang vay kiếm hạch tội nàng. Nàng thấy mình ở truồng ôm quần chạy trốn suốt đêm, nhưng không làm sao trốn được, vì nàng trốn chạy trên những thân cây gác ngang trên mặt nước bùn đen, phía dưới một bầy người hống hác kêu la, hai bên những kẻ khác giở cửa tuôn ra, dùng gậy chọc vào cửa mình nàng. Bối rối hoang mang, nàng chạy trốn luôn vào trong nhà cầu.
Khi tỉnh ra nàng còn ngờ vực mình, cảm thấy rần rần một cái ý dối trá nào đó vẫn hiện hữu ở trong thân tâm mình, nó đã tự nhiên sinh tạo, sinh tạo, thành cả một cuộc rượt đuổi hung bạo, đẩy nàng vào hết chốn khổ đau này đến ngã khổ đau khác. Thân thể đau đớn ê chề, nàng chắp tay thề nguyện ăn năn, từ đó phát tâm quay về với điều tận chân thực.
Hàng ngày Bổn túc trực, tìm mọi cách tác động vào tinh thần, thể xác Tha, chỉ mong nàng sớm hồi phục, khỏi bệnh. Chàng lần mò bên trong sâu thẳm cõi lòng mình, nước mắt ứa ra, dần dần sáng rõ những lời dạy nơi em Thu Cúc. Thời gian đã lâu, Tha vẫn còn ốm nhưng máu huyết mới lại. Có những trưa nằm trong nhà nghe gió bên ngoài, tự động Tha đã ngồi dậy lặng lẽ ra vườn, đi phải vịn, nhưng người nhẹ nhàng. Bổn rất mừng, chỉ mong đem được sự yêu thương của mình đến với vợ, chuộc lại lỗi lầm, giúp nàng hoàn thành đạo người, làm mát nghiệp báo lâu dài.
Vợ chồng thấy lòng ngày một vui hơn. Hàng ngày, có nhiều đoàn thồ nặng đi ngang vào xin chỗ nghỉ chân, họ ngồi dưới bóng mát trước sân nhà. Tha rót nước mời khách. Ai cũng vui mừng cảm ơn, uống một hơi dài.
Một ngày nọ, có một khách bộ hành từ xa đến giở nón xin một chỗ ngồi. Sau khi uống xong bát nước, nhìn rộng, lại nhìn gần chỗ vườn, khách mới chỉ cho nàng cách nấu nước bí, cách chưng đường phèn. Lại chỉ cách nhận dưa chua làm sao cho ngon. Qua hết cơn nắng, khách từ giả, thoáng đã đi xa. Khi đó vợ chồng ngồi gần lại với nhau, tự nhiên Tha ứa nước mắt. Lâu nay Tha vốn xa lánh Bổn, ở trong nhà như người hầu kẻ hạ, đưa nhận đều giữ lễ rụt rè, đứng đi phải lựa chỗ, khi phải cùng nhau thì đứng nghiêng một bên vai, mắt nhìn chỗ khác, nay tự nhiên lòng yên tâm, ấm áp, mới ngả người dựa vào một bên vai chàng. Theo lời khách, Bổn, Tha làm thử một thạp dưa chua. Ngâm để đấy, hai hôm Tha mới lén giở xem, nếm thử. Tự nhiên trông nàng khoảng khoát, vui, nhưng không biết nói làm sao, mới chờ thời cơ lẻn lại gần, chấp hai tay lên chân quỳ xuống một bên, bảo: “Ngon lắm”. Bổn bật cười to, rung cả ghế dựa. Lát sau thì cùng ra hè. Mẻ đầu đem được cho nhiều người xung quanh ăn thử, ai cũng tấm tắc khen ngon. Từ đó mở quán. Ban đầu là nước trà xanh, nước bí với đường phèn.
Một ngày, Bổn đẩy xe vào làng gốm chở lu thạp ra về nhà. Đường nắng chang chang, mới ngồi dưới gốc cây nghỉ lại, nhìn bốn bề vàng hoe. Nhọc nhằn mà thấy đâu ra đó cả.
Đi qua những ngôi mộ, những lò gốm ở trong thôn
Những con đường dài, những ngôi nhà mái đỏ
Hoa nắng đung đưa, đâu mất, đâu còn
Xương thiếp trắng, xương chàng cũng trắng
Về đây, quán nhỏ bên đường.
Chàng lại xe lu gốm chất cao, rút cọc chống cẩn thận giắt vào dây ràng, bắt đầu từng bước từng bước đẩy, nghe thấy rõ bao nỗi nhọc nhằn, cả tiếng xương kêu. Về tới nhà, vợ rót cho chàng bát trà xanh, chàng cảm ơn nhận lấy, uống, dịu đi cái nắng, cái mệt.
Đêm.
Đêm thao thức, buồng chuối vặn
Hai thân nằm trăn trở, trở trăn
Nghĩ đời một cuộc mà kinh
Kìa trăng xuống vực, lại mình với ta.
------------------------------------------------------------
Ghi chú:
(1): theo câu đố “Mình trần to lớn trượng phu, đóng mười lần khố trật cu ra ngoài” (cây chuối)
(2): theo câu “Tính là thần, tình là quỷ”.  
(3): lời trong kinh Tâm Từ, “Mong cho tôi không oan trái với mọi chúng sinh,... tránh khói sự khổ thân, tránh khỏi sự khổ tâm”.