Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

"Quan âm chỉ lộ": Tâm sự của tha nhân


“Hãy đi trên con đường bình an, lắng nghe âm thanh trong lòng, đấy là con đường mà Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ lối đưa đường”.
(Trích “Quan âm chỉ lộ”)
Hồ Cảnh Hưng
Chúng ta đi vào từng cảnh một của truyện ngắn này. Niềm vui, nỗi buồn và chuyện đời bề bộn. Những điều nhỏ cho đến những điều lớn đều khiến chúng ta xúc động, bồi hồi. Bâng khuâng như nửa muốn dừng, nửa muốn trôi. Cũng là một dòng sông, một khúc đoạn có tên là cuộc sống.
Chúng ta chỉ mãi là một tha nhân như hạt bụi trên những chặn đường. Có một điều này: Tiếng của lương tri nhắc nhở bên trong của mình: Một nỗi lòng, một tâm sự tha nhân.
Về con người:
- “Tôi nhớ mãi ánh mắt chị. Tôi đã nhìn thấy nhiều ánh mắt của những người phụ nữ đau khổ, rất nhiều ánh mắt tê dại vô hồn, vô ảnh, ta soi vào mà chẳng thấy gì, nó không đủ sức lưu lại hình ảnh của bất cứ ai, bất cứ vật gì”. 
- “Không biết những người chồng, người con, những người thân của họ đã làm những gì để làm cho nó khô kiệt, đã làm mất hết đi vẻ tinh anh trong ánh mắt kia?”
- “Cuộc đời con người nào nhiều nhặn gì, ai trong số chúng ta đã được yêu thương, đã được vuốt ve bởi những ánh mắt chân tình tự nhiên không hề vướng bận sân si vụ lợi?”
Về dòng đời:
- “Giọng cười nào, tiếng hát nào, giấc mơ nào của ngươi cũng đều nồng nàn vẻ đẹp thuần khiết hiến tặng cho cuộc đời, cho con người... mà người thì bạc như vôi, còn đời thì ngắn...”.
Về tình yêu:
- “Tôi chăm chú nhìn Công, thấy ông ta là người thành thực. Tôi rất ngạc nhiên, ngẫm nghĩ mãi về hình ảnh cô Đun-xi-nê bé nhỏ, dạy học ở một nơi khỉ ho cò gáy, lại là nguồn cảm hứng cho gã Đôn Kihôtê giang hồ quốc tế, khiến ông ta làm được những việc động trời”.
- “Thế gian này thật diệu kỳ! Trong muôn thứ diệu kỳ thì tình yêu chính là điều diệu kỳ nhất”.
Về nhà văn:
- “Chú là nhà văn, chú có biết câu “nhà văn là tai mắt của nhân dân” không? Chú viết văn, điều gì hướng đạo ngòi bút của chú?”
- “Tôi bỗng nhớ lại những điều tôi nói hôm ấy thật xa xỉ và phù phiếm, thậm chí dối trá. Tôi nói với anh Lai rằng quả thực không phải lúc nào tôi cũng trả lời được những câu hỏi do công việc và cuộc sống đặt ra”.
- Anh Lai nói: “Tôi nhớ trong Kinh thánh, Chúa đã từng mắng các văn sĩ rằng họ chỉ nhắm miếng ngon, khát khao thụ hưởng. Trong các hội đoàn, họ ngồi ghế hạng nhất... Chúa không mắng những người làm nghề nghiệp khác”.
- “Nhiều lần, tôi nhớ lại những ngày gian khó thuở tôi còn đi dạy học ở trên miền núi Tây Bắc xa xôi, tôi chỉ là một thày giáo tiểu học vô danh, tôi như viên sỏi vô danh ở trong lòng suối vô danh nhưng chẳng bao giờ tôi thấy cô đơn, trong lòng tôi lúc nào cũng như có một con chim chiền chiện líu la líu lo ca hát những lời vô nghĩa bất tận”.
- “Tôi không hiểu nổi một người viết văn như chú. Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho mọi người dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì?”
- “Ở chú có phẩm chất gì? Cao thượng ư? Không phải! Nghiêm cẩn ư? Cũng không phải nốt... Tôi chỉ nhận ra ở chú dục vọng hão huyền và khả năng đánh thức cái dục vọng hão huyền, ghê gớm ấy ở mỗi một người? Điều ấy là tốt ư? Không phải! Xấu ư? Không phải!”
- “Từ bản chất, tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú”.
Quan âm chỉ lộ:
- Buổi tối, dưới ánh đèn pho tượng trông thật rạng rỡ. Xem xét kỹ, ai cũng thấy rõ ràng đây là một pho tượng quý. Ở dưới đĩnh vàng, có hình Thái thượng lão quân đắp nổi và chữ “Bình an lộ”. 
- “Ý nghĩa của pho tượng là hãy đi trên con đường bình an, lắng nghe âm thanh trong lòng, đấy là con đường mà Quan Thế Âm Bồ Tát chỉ lối đưa đường”.
- Chiều hôm ấy, sau bữa cơm, ai nấy đều giật mình vì phát hiện ra pho tượng Quan Âm chỉ lộ bỗng nhiên biến mất.  
Chúng tôi về Hà Nội. Thời gian trôi đi. Tôi cũng nghĩ rằng câu chuyện không vui trong dịp Tết năm ấy rồi cũng rơi vào quên lãng. 
- “Một hôm, chị Hỷ đến nhà tôi chơi. Tôi rất ngạc nhiên thấy chị mang đến bức tượng Quan Âm chỉ lộChị nói: “Tôi đã tra hỏi con bé “ô-sin”. Tôi đã không nhầm. Nó là thủ phạm của vụ trộm này. Chú có biết không, hạng người như nó thì có dạy dỗ thế nào vẫn thế... Tôi đã đuổi việc nó rồi!”
- “Tôi mời chị Hỷ ở lại ăn cơm nhưng chị từ chối nói là rất bận. Tôi ngồi một mình, buồn bã nâng bức tượng lên tay xem xét. Hình ảnh cô gái bé nhỏ âm thầm quỳ trước bàn thờ Chúa cầu nguyện hôm nào trong ngôi nhà thờ ở Sa Pa hiện ra ở trước mắt tôi. Tội nghiệp cho nó. Tôi không tin nó là thủ phạm. Ở bên ngoài, những chiếc lá của cây báng súng rơi lả tả trên nền sân đá”.
“Chị Hỷ ra về. Tôi cẩn thận đặt bức tượng Phật lên trên bàn thờ. Trên khuôn mặt Quan Thế Âm Bồ tát hình như có một giọt nước mắt trong veo lăn xuống khóc cho số phận trớ trêu của mỗi con người”.
- “Chắc chắn là tôi sẽ còn quay trở lại Sa Pa. Phải trở lại chứ! Vì sao ư?  Sa Pa là mảnh đất tình yêu, mảnh đất giữ người!”
“Trên đất nước mình, đâu đâu chẳng là mảnh đất tình yêu, mảnh đất giữ người? Hãy làm cho mảnh đất này ngày càng phì nhiêu, tươi đẹp. Tôi nghĩ thế, chân thành nghĩ thế”.
“Kìa Xuân đang về. Lại một cái Tết đi qua. Hãy lắng nghe âm thanh trong lòng. Phải sống! Phải sống cho ra giá trị cuộc sống con người, dù cho thế nào đi nữa...”
Thật bình ổn, thật cao thượng, thật thâm trầm, thật nhân từ, thật tốt đẹp!
“Quan âm chỉ lộ”, tâm sự của một tha nhân, của một nhà văn, một tấm lòng…
(Ảnh của họa sỹ Nguyễn Đình Đăng)
QUAN ÂM CHỈ LỘ
Nguyễn Huy Thiệp
Ngôi trường vùng cao ở lưng chừng đồi, đơn sơ một ngôi nhà gianh vách đất, một nửa là lớp học, một nửa là chỗ ở của hai cô giáo Thu và Kiểm. Lớp học thường xuyên xê dịch có từ 7 đến 20 học sinh của năm dân tộc là Mông, Thái, Nhắng, Dao và Lô Lô.
Hai cô giáo Thu và Kiểm đều quê ở Tiền Hải Thái Bình, bố mẹ là dân chài vùng biển. Hai cô học hết cấp 2 phổ thông trung học thì đi học một lớp sư phạm nâng cao hai năm. Tốt nghiệp ra trường, Đoàn thanh niên có phong trào “thắp lửa ánh sáng vùng cao”, họ ghi tên tham gia và mười ngày sau họ có mặt ở ngôi trường này.
Ai lên Sa Pa, nếu đến nơi xa nhất thì phải đến bản Suối Thầu. Từ chợ Sa Pa đến đây tròn 70 cây số. Người Mông, người Dao giỏi đi bộ thì mỗi ngày đi được 20 cây. Thu và Kiểm vẫn thường xuyên đi lại trên tuyến đường này. Ngôi trường của họ ở nơi hẻo lánh nhất của vùng đất du lịch không thể nói là không phù hoa đó. Ôi Sa Pa, Sa Pa... Mảnh đất tình yêu! Mảnh đất giữ người!
Tết năm ngoái, tôi có dịp lên Sa Pa theo lời mời của gia đình một người bạn. Anh Lai, Vụ trưởng một Vụ, chuẩn bị đi làm đại sứ một nước ở châu Âu, quyết định không ăn Tết ở Thủ đô mà đưa cả nhà đi du lịch. Họ sẽ ăn Tết ở Sa Pa. Tôi được mời đi theo  tháp tùng”. Mấy năm gần đây, hội “tay to” ở Hà Nội có “mốt” không ăn Tết ở nhà mà đóng cửa đi dã ngoại để đổi không khí, cũng tránh cả việc người ta đến lễ lạt nhờ vả nhiêu khê... Tiền nhiều chẳng làm gì. Chất lượng cuộc sống trên hết. Sống vẻ vang, chết nhẹ nhàng... Những triết lý như thế gần đây tôi được nghe nhiều ở các quan chức và giới doanh nhân thành đạt. Cũng là một “mốt”...
Chị Hỷ, vợ anh Lai (xuất thân thợ dệt) tính rất chu đáo đã mua vé tàu hoả, thuê nhà, chuẩn bị thức ăn chu đáo cho 10 ngày nghỉ Tết, mọi người chẳng ai phải mó tay vào.
- Không thiếu thứ gì! - Chị Hỷ vui vẻ bảo tôi - Chú sẽ được ăn Tết như ở nhà mình.
Gia đình anh Lai có năm người: hai vợ chồng anh, cháu Quang đang du học ở Mỹ (đại học Duke) về nghỉ Tết, cháu Vân đang học lớp 12 trường Chu Văn An Hà Nội và Yên, cô “ô-sin” người vùng đạo gốc Bùi Chu.
- Chú là nhà văn danh tiếng nhưng nghèo - Anh Lai bảo tôi - Nghề của chú chẳng phải là nghề. Đó là nghiệp chướng. Đọc, đi, viết là ba công đoạn mà tay nhà văn nào không làm được thì đừng nói gì đến có tác phẩm. Không đọc, không đi thì viết thế nào? Nhưng không có tiền thì chịu. Chuyến đi Sa Pa này vợ chồng tôi “bao” hết, chỉ mong chú viết được cái gì hay hay đóng góp cho đời. Vợ chồng tôi chọn Sa Pa cũng là vì chú! Ngày xưa, Khổng Tử du ngoạn Thái Sơn có nói được câu chí lý: “Người nhân từ yêu núi, người có chí yêu nước”. Nhà văn phải là người nhân từ, phải là người nhân nghĩa, nhân văn...
Tôi nghe. Tôi đi cũng là vì nể anh Lai. Nhân từ gì tôi không biết, ngày trẻ tôi đã ở miền núi Tây Bắc 10 năm, miền núi tôi chẳng lạ gì. Nhưng thôi, một chuyến đi du lịch, một cái Tết xa nhà cũng tốt cho tôi: ở nhà toàn khuôn mặt cũ, những đứa con tôi đã lớn, chúng không cần tôi nữa, tôi và danh tiếng hão của tôi đã là gánh nặng cho cả gia đình...
Chúng tôi lên Sa Pa vào 25 Tết. Chị Hỷ thuê một biệt thự  riêng. Mọi người ai nấy đều như chim sổ lồng: anh Lai đi thăm vùng trồng hoa với bạn học cũ là phó chủ tịch thị xã, cháu Quang và cháu Vân đi Thác Bạc - Cổng Trời, cô “ô-sin” đi lễ nhà thờ rồi đi chợ, chị Hỷ ở nhà “giữ gôn”. Còn tôi, số phận run rủi, ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi lại đến ngôi trường của hai cô giáo Thu và Kiểm.
Ở Sa Pa, có một cửa hàng bán đồ cổ nhỏ. Chủ ở đây nghe nói là một người Nhắng giàu có. Tôi rất thích vài thứ bày ở đây nhưng giá của nó khá đắt. Thấy tôi loay hoay mãi bên cửa hàng, một anh chàng lái xe ôm gạ tôi:
- Nếu ông thích mấy thứ này, tôi đưa ông vào bản Tả Van hay vào Bản Hồ, ở đấy có thể có người còn có nhiều thứ hay.
Tôi lưỡng lự. Anh ta nói thêm:
- Càng đi xa càng nhiều thứ quý.
Tôi hỏi:
- Ở Sa Pa, nơi xa nhất là đâu?
- Suối Thầu.
- Đi có khó không?
- Cũng không khó lắm.
Tôi xem đồng hồ, thấy còn sớm bèn quyết định đi chơi xa một chuyến. Anh lái xe bảo tôi:
- Chắc ông sẽ không thất vọng vì chuyến đi này.
Tôi ngồi lên xe. Chiếc xe  Min-khơ” dã chiến phóng nhanh như gió. Rừng núi đại ngàn trùng điệp mở ra trước mắt. Tôi chưa bao giờ đi một cuốc xe kinh hoàng như thế. Một bên là vực sâu, một bên là núi cao. Thỉnh thoảng, một trận mưa địa hình đột ngột trút xuống. Gió lồng lộng thổi. Tôi đã có thâm niên ở miền núi nhiều năm nhưng quang cảnh hùng tráng thế này thì không phải miền núi nào cũng có. Những viên sỏi bắn vào hai bên lốp xe rào rào. Anh lái xe ôm, chắc đã quen đưa khách đi du lịch phiêu lưu thế này, chỉ chăm chú nhìn về phía trước, tôi nghĩ nếu tôi ngã xe có khi anh ta cũng chẳng biết gì.
Đường vào Suối Thầu đi xe máy cũng hơn 5 tiếng đồng hồ. Anh lái xe ôm bảo tôi:
- Theo tôi, tốt nhất là ông nên nghỉ lại đây đêm nay. Tôi có thể chỉ cho ông vài nơi nghỉ trọ. Bọn Tây du lịch cũng hay làm thế. Bọn “gai” (tour - guide: hướng dẫn viên du lịch) người Mông vẫn dẫn họ vào đây như cơm bữa. Giá nghỉ trọ ở đây cũng mềm, chỉ khoảng độ 10 đồng bạc là cùng.
Tôi nghe lời chỉ dẫn của người lái xe ôm. Anh ta dẫn tôi vào trong ngôi trường học mà tôi đã kể ở đầu câu chuyện. Hai cô giáo rụt rè ra đón vẻ rất băn khoăn. Tôi tự giới thiệu về mình. Cô giáo thấp lùn, có khuôn mặt vuông vức tên là Kiểm mắt sáng lên:
- Em đã từng nghe đến tên ông. Nếu ông đúng là nhà văn thì em cho trọ.
Cô giáo người gày gò, trắng trẻo tên là Thu hỏi anh lái xe ôm:
- Anh về Sa Pa hay cũng nghỉ lại?
Anh này trả lời:
- Tôi về thôi. Mai lại vào. Ông nhà văn này muốn tìm đồ cổ, có gì nhờ hai cô giáo tìm giúp.
Họ chia tay nhau. Hai cô giáo dẫn tôi vào lớp học, ở đấy đang có một cô bé người Mông ngồi tập viết chữ. Hai cô giáo loay hoay kê những chiếc ghế băng sát lại, sau đó họ mang đệm và chăn bông vào. Ngay lập tức, tôi đã có một chiếc giường ngủ hảo hạng. Tôi lấy điện thoại di động gọi về Sa Pa, anh Lai và chị Hỷ trách tôi nhưng hai cháu Quang và Vân thì thích, hứa có thể sẽ vào Suối Thầu với tôi.
Đêm hôm đó, bên bếp lửa, tôi được nghe hai cô giáo Thu và Kiểm kể về cuộc đời của họ.
- Thế hai cô ở đây được mấy năm rồi?
- Được 6 năm.
- Thế Tết này các cô có về quê ăn Tết hay không?
Cô Kiểm thở dài:
- Cái Thu thì 27 Tết mới về. Còn em... Tết này chưa chắc em về được.
- Thế có năm nào các cô ăn Tết ở đây hay không?
Cô Thu bảo:
- Tết năm nào em cũng về quê ăn Tết. Em đang định bỏ việc, ở đây chán lắm. Còn cái Kiểm, sáu năm rồi, năm nào nó cũng ở lại. Năm nào nó cũng bảo: “Tết này chưa chắc em về được”.
Cô Kiểm quay mặt về phía bóng tối, giấu ánh mắt buồn buồn. Tôi không tiện hỏi, bèn quay sang nói chuyện về phong cảnh với khí hậu Sa Pa. Tôi cũng hỏi về các món đồ cổ lưu lạc ở trong các gia đình người dân tộc ở vùng cao này. Thế kỷ XVIII, Hoàng Công Chất khởi nghĩa ở đồng bằng, bị triều đình đánh đuổi lưu lạc lên đây, có nhiều gia đình thổ hào đi theo. Đây cũng là vùng buôn bán hàng lậu từ Vân Nam Trung Quốc sang. Vì thế, rất có thể có nhiều đồ cổ lưu lạc ở đâu đấy rất quý giá.
Sáng hôm sau, cô giáo Thu chuẩn bị về quê. Lớp học đã nghỉ, chỉ có vài ba đứa học sinh thỉnh thoảng đến xin bài về học trong dịp nghỉ Tết. Cô giáo Kiểm dặn dò chúng. Ngày xưa, khi còn đi dạy học ở vùng núi Tây Bắc, tôi đã hiểu tâm trạng của các thày cô giáo miền xuôi lên dạy học ở miền núi vào những ngày này. Lòng dạ rối bời cứ như lửa đốt, sắm sửa quà Tết, gói ghém đồ đạc, mong chờ kỳ lương cuối cùng trong năm, bóng dáng của người thân cứ hiện rõ dần... Ôi tuổi trẻ phiêu lưu và ngốc nghếch! Ngươi chẳng sợ gì gian khó, chẳng sợ gì cô đơn, dòng máu chảy trong huyết quản của ngươi mới mạnh làm sao, những chân trời nào và ánh mắt nào vẫy gọi? Giọng cười nào, tiếng hát nào, giấc mơ nào của ngươi cũng đều nồng nàn vẻ đẹp thuần khiết hiến tặng cho cuộc đời, cho con người... mà người thì bạc như vôi, còn đời thì ngắn... Nhưng chẳng sao, chẳng sao cả, những lớp người kế tục nhau như những đợt sóng bên ngoài trùng khơi...
Cô giáo Kiểm cho một học sinh dẫn tôi đi vào trong bản. Phần lớn các nhà ở đây đều nghèo, nhiều người Mông, người Nhắng nghiện thuốc phiện. Tôi rẽ vào một ngôi nhà trên núi, thấy một người đàn ông người Mông trạc 50 tuổi đang vật vã vì đói thuốc. Chị vợ đang ngồi giã mèn mén. Thấy tôi vào, họ cũng mặc kệ. Tôi lân la hỏi chuyện người vợ. Tôi nhìn thấy trong chạn bát có một pho tượng Phật nhỏ bằng đồng đen thui. Pho tượng rất lạ, đó là hình hai mặt Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi trên toà sen đặt trên đống tiền và trên đĩnh vàng, có mấy chữ Hán, tôi chỉ đọc được bốn chữ: “Quan Âm chỉ lộ”. Tượng Quan Thế Âm tôi đã thấy nhiều, nhưng tượng được đặt trên một đống tiền và vàng thì chưa từng thấy. Tôi đoán đây là tượng của một thương gia nào đó, có thể được đúc riêng nhân kỷ niệm mừng sinh nhật hoặc mừng tân gia cho ai đó. Pho tượng trông rất có thần, đường nét tinh tế, không cổ lắm nhưng rõ ràng không phải tượng mới. Trong ruột bức tượng, có lẽ người ta có yểm bùa và cho vào đó những viên sỏi kỳ lạ, lắc lên nghe lạo xạo.
Tôi hỏi người đàn bà, tỏ ý muốn mua pho tượng. Người chồng trừng mắt:
- Không bán đâu. Nó là gia bảo đấy!
Tôi không gặng hỏi, tôi biết người Mông tính rất dứt khoát. Tôi rất ái ngại vì thấy tình cảnh của gia đình này thật bi đát. Tôi lấy ra một món tiền nhỏ tặng chị vợ. Chị ta không nhận, nhìn về phía người chồng rồi nói:
- Không lấy tiền đâu! Nếu có tiền nó lại đi mua thuốc phiện.
Người chồng đứng lên, giật phắt lấy số tiền trên tay tôi, quát vợ:
- Nó cho mình thì mình lấy chứ!
Chị vợ bối rối, không biết làm sao cả. Chị ta nói với chồng:
- Hết gạo rồi! Cũng không có thịt mà ăn Tết nữa!
Người chồng không nói năng gì, khoác chiếc áo bông cũ đi ra. Chị vợ bảo tôi, vẻ bực mình thực sự:
- Ông hại nó rồi. Nó sẽ đi đến mai mới về!
Tôi nhớ mãi ánh mắt chị. Tôi đã nhìn thấy nhiều ánh mắt của những người phụ nữ đau khổ, rất nhiều ánh mắt tê dại vô hồn, vô ảnh, ta soi vào mà chẳng thấy gì, nó không đủ sức lưu lại hình ảnh của bất cứ ai, bất cứ vật gì. Không biết những người chồng, người con, những người thân của họ đã làm những gì để làm cho nó khô kiệt, đã làm mất hết đi vẻ tinh anh trong ánh mắt kia? Cuộc đời con người nào nhiều nhặn gì, ai trong số chúng ta đã được yêu thương, đã được vuốt ve bởi những ánh mắt chân tình tự nhiên không hề vướng bận sân si vụ lợi?
Tôi quay trở về trường học, lòng thoáng buồn. Anh lái xe hôm qua đã quay trở lại, chuẩn bị chở cô giáo Thu ra Sa Pa để mua vé tàu hoả về quê ăn Tết. Cô giáo Kiểm và cô bé học trò người Mông ra tiễn họ.
Anh lái xe hỏi tôi:
- Ông có về không?
Tôi bảo:
- Tôi muốn ở lại. Nếu được, ngày mai anh vào đón tôi.
Anh lái xe cười:
- Tôi biết ngay mà... Sa Pa là mảnh đất tình yêu, mảnh đất giữ người...
Buổi chiều, cô giáo Kiểm và cô học trò người Mông (sau này tôi biết tên nó là Giàng Seo Mẩy) loay hoay dọn dẹp, quét dọn xung quanh ngôi trường đón Tết. Cô giáo Kiểm mang cờ ra, treo lên cái cột ở giữa sân trường. Chập tối, lúc chúng tôi chuẩn bị ăn cơm thì có khách đến. Tôi đoán đấy là chồng hoặc người nhà cô Kiểm.Người đàn ông này tên Công, trạc 50 tuổi, dáng điệu phong trần, như ở nơi rất xa xôi đến. Cô Kiểm mừng rỡ, đun nước nóng cho ông ta ngâm chân, săn sóc ông ta từng ly từng tí.
Trong bữa cơm ông ta bảo cô giáo Kiểm:
- Anh chỉ ở đây với em đến mồng 1 Tết. Sáng mồng 2 Tết anh phải đi rồi.
Cô Kiểm bảo:
- Tuỳ anh. Anh ở bao lâu cũng được.
- Nếu anh không lên, em có về quê ăn Tết hay không?
- Em không biết. Tết này chưa chắc em về được
Ăn cơm xong, người đàn ông rủ tôi ra ngoài ngồi hút thuốc. Ông ta hỏi:
- Có phải ông là nhà văn viết cái gì đó về hoa thủy tiên phải không?
Tôi bảo:
- Phải!
Ông ta bảo:
- Tôi có nghe loáng thoáng về ông. Ông là nhà văn nổi tiếng, đã đi ra nước ngoài nhiều lần.
Tôi bảo:
- Phải!
Ông ta nói:
- Tôi cũng đã đi ra nước ngoài nhiều lần. Càng đi, càng thấy thương nước Việt Nam mình. Đất nước mình thật đẹp, dân mình thật tốt, chỉ phải cái nghèo.
Tôi hỏi ông ta về quan hệ của ông ta với cô giáo Kiểm. Ông ta thở dài:
- Đấy là người mà tôi yêu dấu vô cùng. Tôi có vợ rồi, nhà ở Lạng Sơn. Tôi biết Kiểm 3 năm nay rồi. Năm nào tôi cũng về đây ăn Tết. Kiểm đối với tôi đúng là “hồng nhan tri kỷ”. Tôi được một người như thế yêu thương thì chết cũng chẳng oán hận gì.
Tôi hỏi:
- Ông biết cô ấy trong trường hợp nào?
Ông ta bảo:
- Cũng giống như ông. Tôi đi du lịch, đúng hơn là tôi đi tìm cái chết. Hồi ấy tôi làm ăn thất bại, gia đình tan nát, tôi rất chán đời. Tôi lên Sa Pa, định trèo lên đỉnh Phan-Xi-Păng tự vẫn. Nhảy vèo xuống núi một cái là xong. Tôi gặp Kiểm, Kiểm mang tình yêu đến cho tôi. Kiểm đúng là Quan Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn “save from misfortune and danger”. Tôi biết ơn cô ấy. Tết nào cô ấy cũng đợi tôi.
Tôi bảo:
- Ông có vẻ như một người hạnh phúc.
Ông ta bảo:
- Cám ơn ông. Cũng còn tuỳ thuộc cách nhìn. Từ khi biết Kiểm, tôi sống tốt hơn lên. Tôi yêu mến tất cả mọi người, tôi làm nhiều việc có ích cho đời. Là nhà văn, ông nên viết về tình yêu của người phụ nữ. Họ yêu thương đàn ông chúng ta, làm cho thế giới này tốt đẹp lên nhiều.
Tôi hỏi về công việc của ông ta. Ông ta nói:
- Tôi là thương nhân. Tôi buôn bán ở Hồng Kông, ở Mỹ. Có lần tôi sang cả Thuỵ Điển. Kiểm như một vị Bồ tát chỉ đường. Tôi buôn bán không phải vì tiền mà vì điều thiện, vì quan hệ với con người.
Tôi chăm chú nhìn Công, thấy ông ta là người thành thực. Tôi rất ngạc nhiên, ngẫm nghĩ mãi về hình ảnh cô Đun-xi-nê bé nhỏ, dạy học ở một nơi khỉ ho cò gáy, lại là nguồn cảm hứng cho gã Đôn Kihôtê giang hồ quốc tế, khiến ông ta làm được những việc động trời. Thế gian này thật diệu kỳ! Trong muôn thứ diệu kỳ thì tình yêu chính là điều diệu kỳ nhất.
Tôi ở Suối Thầu đến hết ngày hôm sau. Tôi được biết Giàng Seo Mẩy, cô học trò người Mông chính là con gái của hai vợ chồng người Mông mà tôi đã gặp. Mẩy ở với cô giáo Kiểm, cô bé giỏi tiếng Anh, nổi tiếng là một “gai nhí” ở khu du lịch Sa Pa.
Anh lái xe ôm vào Suối Thầu đón tôi. Ngôi biệt thự mà chị Hỷ thuê riêng đã được trang hoàng lộng lẫy.Tối hôm đó, chị Hỷ làm tiệc tất niên. Sâm-banh được mở ra, ai nấy đều vui vẻ.
Rượu ngà ngà say, anh Lai hỏi tôi:
- Chú là nhà văn, chú có biết câu “nhà văn là tai mắt của nhân dân” không? Chú viết văn, điều gì hướng đạo ngòi bút của chú?
Cháu Quang học ở đại học Duke, bang Carolina ở Mỹ, ở đấy có khoa viết văn, đào tạo các nhà văn tương lai. Rất nhiều người ở các nước khác đến đây học. Khi sang Mỹ, tôi đã từng có bài thuyết giảng ở đây. Hôm đó, tôi đã nói về sự vô minh của con người và thế giới, lòng khát khao của cá nhân tôi với cuộc sống mà Thượng đế ban cho. Hôm đó cháu Quang cũng dự. Đến hôm nay, khi nghe anh Lai hỏi, tôi bỗng nhớ lại những điều tôi nói hôm ấy thật xa xỉ và phù phiếm, thậm chí dối trá. Tôi nói với anh Lai rằng quả thực không phải lúc nào tôi cũng trả lời được những câu hỏi do công việc và cuộc sống đặt ra.
Anh Lai nói:
- Tôi nhớ trong Kinh thánh, Chúa đã từng mắng các văn sĩ rằng họ chỉ nhắm miếng ngon, khát khao thụ hưởng. Trong các hội đoàn, họ ngồi ghế hạng nhất... Chúa không mắng những người làm nghề nghiệp khác. Nghề của chú không phải là nghề, nó làm rối tinh trật tự.
Tôi thấy khó trả lời, miếng cơm ăn đắng ngắt. Anh Lai là nhà chính trị, anh không biết rằng tôi cũng đã từng làm nhiều nghề kiếm sống. Định mệnh của tôi không phải do tôi quyết định. Tuy nhiên, tôi không tranh cãi với anh. Hôm nay tôi là khách mời. Đầu óc tôi vẫn còn đang vấn vương hình ảnh những người sống rất giản dị ở bản Suối Thầu, họ không bao giờ đặt ra câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia? Cô giáo Kiểm, một cô gái bé nhỏ sinh ra ở biển, sống 6 năm trời với các em bé người Mông, người Nhắng, đồng lương dạy học chẳng đáng là bao; ngồi giữ ngọn lửa tình yêu cho một tay giang hồ dọc ngang trời đất. Rồi hai vợ chồng người Mông nghiện hút, họ chẳng bao giờ đi xa khỏi bản của mình...
Cháu Quang và cháu Vân cho xem những bức ảnh chụp ở bãi đá cổ Hầu Thào. Trên các hòn đá có các hình khắc kỳ dị. Ai đã viết lên đấy? Liệu thời tiền sử có một tay văn sĩ rồ dại nào đi làm chuyện ấy hay không?
Ăn xong, tôi về phòng, thấy cháu Yên, cô gái “ô-sin” đang ngồi ăn cơm thầm dưới gầm cầu thang. Tôi hỏi:
- Sao cháu không ăn cơm cùng với mọi người?
Yên nói:
- Cháu quen rồi!
Chị Hỷ đi ra bảo tôi:
- Lệ ở nhà này là thế. Tôi vốn có “tay” nuôi “ô-sin”. Dân chủ thì dân chủ. Nhưng trật tự cần hơn dân chủ.Anh yên tâm đi, một mình nó một mâm, cũng đầy đủ sơn hào hải vị.
Sáng hôm sau tôi ra chợ Sa Pa. Anh lái xe ôm hôm trước gặp tôi. Tôi vào chợ, mua một bao gạo 50 ki lô và một đùi thịt lợn, nhờ anh ta chở vào Suối Thầu tặng gia đình của Giàng Seo Mẩy. Anh lái xe cười:
- Thế này thì nhà này năm nay ăn Tết to rồi!
Tôi thấy vui vui. Chừng mấy năm nay, tôi không còn nhiều lòng ham hố “kiếm chác” cho mình, nhiều khi cho được người khác cái gì thích hơn được nhận. Tôi không giàu có nhưng cũng chẳng nghèo. Tôi không có nhiều người thân, nhiều bạn bè. Tôi đã trót rào quanh tôi hàng rào danh tiếng, đấy cũng không phải do ý thức của tôi chủ định, rất nhiều các thói đời xô đẩy khiến tôi lâm vào tình cảnh trớ trêu như thế. Nhiều khi, tôi rất cô đơn ngay giữa nhà mình. Những bạn bè cũ cũng ngại gặp tôi, tôi cố gắng phá đi mặc cảm tự ti vì không thành đạt ở trong lòng họ mà không phá được. Nhiều lần, tôi nhớ lại những ngày gian khó thuở tôi còn đi dạy học ở trên miền núi Tây Bắc xa xôi, tôi chỉ là một thày giáo tiểu học vô danh, tôi như viên sỏi vô danh ở trong lòng suối vô danh nhưng chẳng bao giờ tôi thấy cô đơn, trong lòng tôi lúc nào cũng như có một con chim chiền chiện líu la líu lo ca hát những lời vô nghĩa bất tận. Đêm chẳng bao giờ là dài, ngày chẳng bao giờ là ngắn. Những ngôi sao xa xôi trên bầu trời giục giã vẫy gọi tôi. Tôi sống, tôi sống như cô giáo Kiểm, như Giàng Seo Mẩy, như người đàn bà Mông kia ở bản Suối Thầu, tôi chẳng bao giờ đặt ra câu hỏi tại sao thế này, tại sao thế kia... Lúc ấy, tôi chưa có ý thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống cho mình.
Ngày 30 Tết, Sa Pa vắng tanh vắng ngắt. Tiết trời cuối năm lạnh giá, nhiệt độ xuống tới 5 độ. Xung quanh nhà thờ, không còn những người bán đồ lưu niệm. Đội quân lái xe ôm cũng đã về nhà. Tôi vào trong nhà thờ, thấy có một mình cháu Yên, cô gái “ô-sin” của nhà anh Lai đang quỳ gối, cầu kinh trước bàn thờ Chúa. Tôi quay ra, không muốn làm phiền cô bé ngoan đạo. Lá của những cây báng súng rơi lả tả ở trên mặt đường. Một vài ba khách du lịch nước ngoài lác đác đi bộ dọc trên hè phố. Sa Pa thật đẹp, vẻ đẹp dịu dàng. Phía xa xa, Phan-Xi-Păng, ngọn núi cao nhất được ví như nóc nhà của người Việt Nam thấp thoáng ở trong mây trắng.
Tôi đi lững thững về nhà. Trước cổng biệt thự, tôi ngạc nhiên nhìn thấy người đàn ông người Mông nghiện hút ở bản Suối Thầu mà tôi đã gặp đang ngồi ở đó. Chị Hỷ chạy ra bảo tôi:
- Người này chờ chú suốt cả buổi chiều. Tôi đuổi nhưng lão ấy không đi. Không biết là có chuyện gì.
Người đàn ông người Mông ngồi ủ rũ nhắm mắt lại như người ngủ gật. Trông thấy tôi, ông ta đứng dậy, mắt sáng hẳn lên. Ông ta hỏi tôi:
- Mày gửi cho tao gạo và thịt à?
Tôi gật đầu. Ông ta bảo tôi:
- Vợ tao rất thích. Nó cám ơn mày!
Thấy chuyện lạ, anh Lai và hai cháu Quang, cháu Vân cũng chạy ra xem. Người đàn ông người Mông lấy ra trong gùi một bọc vải nhỏ giúi vào tay tôi. Ông ta nói:
- Cái này của mày!
Nói xong ông ta quay đi, chẳng chào ai cả. Tôi nhìn theo người đàn ông người Mông bước đi loạng choạng, áy náy vì không hiểu làm sao ông ta lại có thể đi được về nhà.
Chị Hỷ đỡ lấy bọc vải ở trong tay tôi mở ra. Chúng tôi sững sờ vì đấy chính là pho tượng “Quan Âm chỉ lộ”. Tôi không thể tin ở mắt mình, càng không ngờ lại có phúc có pho tượng ấy. Mọi người trong nhà anh Lai xuýt xoa, ai cũng sờ nắn, xem xét, không muốn rời tay.
Buổi tối, dưới ánh đèn pho tượng trông thật rạng rỡ. Xem xét kỹ, ai cũng thấy rõ ràng đây là một pho tượng quý. Ở dưới đĩnh vàng, có hình Thái thượng lão quân đắp nổi và chữ “Bình an lộ”. Ý nghĩa của pho tượng là hãy đi trên con đường bình an, lắng nghe âm thanh trong lòng, đấy là con đường mà Quan Thế Âm Bồ tát chỉ lối đưa đường. Anh Lai và chị Hỷ áng chừng đây là pho tượng đồng có thể có từ thời nhà Thanh Trung Quốc.Tôi không nghĩ thế bởi xem xét kiểu chữ khắc trên đó thì có thể nó có muộn hơn. Sau phong trào Ngũ tứ và Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, người ta cải cách chữ Hán. Lúc này tinh thần dân tộc của người Trung Quốc lên cao, nhiều thương gia xuất hiện cố gắng vươn ra thế giới. Rất có thể đây là pho tượng của một thương gia thành đạt thời ấy. Song, đây cũng có thể là pho tượng của một người Việt Nam nào đó làm ra. Tôi đã từng đến xem các lò đúc đồng ở Huế, ở Hà Nam, ở Hà Nội và rất thán phục nhiều tác phẩm điêu khắc kỳ khu của họ. Muốn biết rõ lai lịch của nó phải chờ khi về Hà Nội hỏi các chuyên gia. Tôi không phải là người chơi đồ cổ, những thứ thế này tôi chẳng biết gì.
Đêm 30 Tết, chúng tôi ngồi đón giao thừa. Pho tượng đặt giữa bàn ăn thắp nến. Một bầu không khí thiêng liêng và bình an làm cho ai nấy đều xúc động, muốn xích lại gần nhau hơn.
Anh Lai chúc mừng tôi. Anh nói:
- Năm mới, “quý vật gặp quý nhân”. Chắc là con đường phía trước của chú sẽ bình an may mắn.
Tôi cười như mếu. Tôi không còn trẻ. Tôi không hy vọng gì nhiều ở phía trước. Với tôi từ lâu “cuộc chơi đã kết thúc rồi”. Tôi ngẫu nhiên có pho tượng này, thực sự thâm tâm tôi cũng chẳng cầu. Phúc hoạ thường vẫn đi kèm như hình với bóng. Ý nghĩa phù du của cuộc sống cho đến một lúc nào đó ai cũng hiểu ra. Thường thường, hiểu ra thì đã muộn rồi. Trời xanh kia vẫn trớ trêu, được mất ở đời có gì quan trọng?
Tôi nói điều ấy với anh Lai, chị Hỷ. Ai cũng cười tôi, cho tôi là người “bi quan chủ nghĩa”. Ừ thôi cũng được, chúng ta hãy sống, chấp nhận nhau, yêu thương, làm sao mỗi ngày ta sống sẽ là một ngày hoan lạc, ở đấy chỉ có nụ cười thân thiết và những lời nói chân tình với nhau.
Chị Hỷ lấy tiền ra mừng tuổi mọi người. Chị nói với tôi:
- Nếu chú bán pho tượng thì tôi mua đấy!
Tôi cười. Tôi thấy khó xử. Nếu anh chị thích thì tôi tặng lại, “quý vật gặp quý nhân”, cũng là một lẽ... Anh Lai trầm ngâm, lắc đầu:
- Định mệnh của chú... Chắc là nghiệp chướng gì đây! Chúng tôi không làm thế được!
Mọi người uống rượu sâm-banh, chúc tụng nhau rồi đi ngủ. Pho tượng vẫn đặt trên bàn.
Ngày mồng 1 Tết, cả nhà anh Lai với tôi đi dạo phố phường, chúc Tết bất cứ ai gặp trên đường. Nhìn thấy gia đình anh Lai ríu rít, tôi bỗng giật mình:
- Ngày Tết là ngày đoàn tụ gia đình. Tại sao tôi lại ở đây?
Lòng tôi cồn cào như có lửa đốt.
- Tết này chưa chắc em về được...
Câu nói bâng quơ của cô giáo Kiểm văng vẳng bên tai. Tôi bật cười, nhớ lại mấy câu thơ cũ của một nhà thơ mà tôi yêu mến:
Giang hồ sót lại mình tôi
Quê người đắng khói quê người cay men...
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ai bảo mắc duyên vào bút mực
Sòng đời mang lấy số long đong
Người ta đi kiếm giàu sang cả
Mình chỉ mơ toàn chuyện viển vông
Khốn nạn, tưởng yêu thì khó chứ
Không yêu thì thực dễ như không!... (1)
Đời người cầm bút xưa nay mấy người thanh thản? Khúc đoạn trường, mấy ai hiểu rõ nỗi lòng của mỗi một người?
Chiều hôm ấy, sau bữa cơm, ai nấy đều giật mình vì phát hiện ra pho tượng “Quan Âm chỉ lộ” bỗng nhiên biến mất. Tất cả nháo nhác đi tìm. Anh Lai rất bực, đập vỡ cả lọ hoa. Không khí ngày Tết trở nên ảm đạm. Thật vô lý quá, ngôi biệt thự này có tường bao quanh, không ai ra vào. Đồ đạc trong nhà không mất thứ gì. Tại sao bức tượng không cánh mà bay?
Anh Lai gọi từng người một vào phòng cật vấn. Anh tỏ ra rất bực. Cháu Quang, cháu Vân bị xúc phạm, phát khóc, bỏ đi, tối cũng không về. Tất cả nghi ngờ đổ vào cháu Yên, cô bé “ô-sin” tội nghiệp. Cô bé gọi tên Chúa, thề thốt đủ điều. Chị Hỷ lục soát các túi đồ đạc, áo quần của nó. Tôi cố can gián nhưng không làm sao ngăn được sự giận dữ của hai vợ chồng anh Lai. Sáng mồng 2 Tết, chị Hỷ tống cổ cháu Yên, mua vé tàu hoả bắt nó trở về Hà Nội. Những ngày nghỉ Tết còn lại trở nên khó chịu vô cùng. Ngày mồng 4 Tết, anh Lai họp mọi người trong nhà, quyết định trở về Hà Nội sớm hơn dự định. Chị Hỷ thu xếp đồ đạc, sai cháu Quang đi thuê xe ô tô chở chúng tôi về Hà Nội ngay ngày hôm ấy.
Anh Lai gọi tôi vào phòng, đóng cửa lại, bảo tôi:
- Gia đình tôi thật có lỗi với chú. Sự việc xảy ra thật không hay. Pho tượng quý bị mất, tôi rất ân hận. Gia đình tôi tự thấy phải có trách nhiệm bồi thường cho chú...
Anh Lai lấy tiền ra, bảo tôi:
- Đây là 1 nghìn đô-la. Số tiền này không phải là số tiền đánh giá giá trị pho tượng. Nó có thể hơn thế, cũng có thể nó không bằng thế... Chú hiểu cho tôi, đây chỉ là một số tiền mọn nhỏ nhoi, giải quyết một sự kiện mọn không ra gì. Thực khốn nạn, tôi không biết chứng minh danh dự của gia đình tôi bằng cách thế nào với chú.Khi phải dùng hạ sách này, chính tôi, tôi cũng rất nhục. Chú hiểu cho tôi, từ xưa đến nay tôi vốn là người dứt khoát, rạch ròi, chính trực.
Tôi bảo anh Lai rằng anh không nên làm thế, rằng pho tượng này chỉ là quà tặng mà thôi, rằng tôi có được cơ duyên làm bạn với gia đình anh thì không nên chỉ vì một chuyện nhỏ con mà làm phương hại tình cảm với nhau, rằng...
Anh Lai cố ép nhưng tôi không nhận. Chúng tôi cãi nhau. Cuối cùng tôi nói, thực ra cũng vì quá bực mình với thái độ kiên quyết cố chấp của anh:
- Thế anh có bao giờ nghĩ rằng chính tôi giấu đi pho tượng này không? Có thể vì mục đích này hay mục đích khác?
Anh Lai cười nhạt, ngồi xuống ghế, lắc đầu:
- Thực ra, cũng có lúc tôi đã nghĩ thế. Xin lỗi chú, tôi cũng đã bí mật lục soát đồ đạc của chú. Do nghề nghiệp, tôi đã phải tiếp xúc, làm việc với đủ hạng người, xem xét cả khía cạnh cao thượng lẫn lưu manh trong con người họ, không trừ ai hết, kể cả người thân. Không phải tôi không tin con người, không phải tôi không nhân văn, chú đừng đánh giá tôi thấp, rằng tôi là kẻ lạnh lùng. Có những công việc không nên để cho cảm tính dự vào. Thú thực với chú, không một hạng người nào mà qua được mắt của tôi, tôi không đảm bảo 100% nhưng tới 90% thì tôi chắc chắn, rằng tôi hiểu được họ và tôi kiểm soát được họ, trừ một loại người... Chú có biết không, chính là nhà văn, chính là những người như chú...
Tôi lặng người đi, bỗng nhiên thấy trong lòng mình đắng ngắt. Anh Lai đi đi lại lại trong phòng. Anh nói với tôi:
- Tôi không hiểu nổi một người viết văn như chú. Chú là ai? Tại sao chú lại viết ra những thứ làm cho mọi người dằn vặt lòng mình? Chú có quyền gì? Ai trao cho chú cái quyền năng ấy? Tư cách của chú tôi gạt sang bên. Tôi không hiểu sao mọi người vì nể một người như chú? Ở chú có phẩm chất gì? Cao thượng ư? Không phải! Nghiêm cẩn ư? Cũng không phải nốt... Tôi chỉ nhận ra ở chú dục vọng hão huyền và khả năng đánh thức cái dục vọng hão huyền, ghê gớm ấy ở mỗi một người? Điều ấy là tốt ư? Không phải! Xấu ư? Không phải! Từ bản chất, tôi vừa căm ghét vừa sợ hãi, cảm phục những người như chú. Chú có hiểu không?
Tôi ngạc nhiên nhìn anh Lai. Hoá ra chuyến đi của tôi và gia đình anh chỉ là cái cớ để anh tìm hiểu về tôi. Tôi bật cười, hoàn toàn bất ngờ vì sự trớ trêu trong hoàn cảnh đó của mình.
Tôi dứt khoát không nhận số tiền anh Lai đưa cho. Tôi có những nguyên tắc lương tâm của tôi. Tôi nói với anh rằng thực ra số tiền này phải thuộc về người đàn ông người Mông nghiện ngập mà tôi ngẫu nhiên gặp gỡ, chính tôi cũng chẳng biết tên tuổi ông ta là gì. Nếu có số tiền ấy, ông ta cũng chỉ dùng để hút thuốc phiện mà thôi, nó cũng chẳng giúp cho ông ta cải thiện thêm gì số phận tồi tệ của mình. Câu chuyện về bức tượng “Quan Âm chỉ lộ” tốt nhất là nên chấm dứt ở đây. Tôi hy vọng tình cảm của tôi với gia đình anh không phải chỉ vì một chuyện nhỏ nhoi thế này mà sứt mẻ.
Chúng tôi về Hà Nội. Thời gian trôi đi. Tôi cũng nghĩ rằng câu chuyện không vui trong dịp Tết năm ấy rồi cũng rơi vào quên lãng, chẳng còn ai nhớ. Sáu tháng sau, tôi được biết anh Lai đã đi nhận công tác mới, cháu Quang cũng sang bên Mỹ làm việc, cháu Vân thì đi học đại học ở Anh. Một hôm, chị Hỷ đến nhà tôi chơi. Tôi rất ngạc nhiên thấy chị mang đến bức tượng “Quan Âm chỉ lộ”. Chị nói:
- Tôi đã tra hỏi con bé “ô-sin”. Tôi đã không nhầm. Nó là thủ phạm của vụ trộm này. Chú có biết không, hạng người như nó thì có dạy dỗ thế nào vẫn thế... Tôi đã đuổi việc nó rồi!
Tôi mời chị Hỷ ở lại ăn cơm nhưng chị từ chối nói là rất bận. Tôi ngồi một mình, buồn bã nâng bức tượng lên tay xem xét. Hình ảnh cô gái bé nhỏ âm thầm quỳ trước bàn thờ Chúa cầu nguyện hôm nào trong ngôi nhà thờ ở Sa Pa hiện ra ở trước mắt tôi. Tội nghiệp cho nó. Tôi không tin nó là thủ phạm. Ở bên ngoài, những chiếc lá của cây báng súng rơi lả tả trên nền sân đá.
Chị Hỷ ra về. Tôi cẩn thận đặt bức tượng Phật lên trên bàn thờ. Trên khuôn mặt Quan Thế Âm Bồ tát hình như có một giọt nước mắt trong veo lăn xuống khóc cho số phận trớ trêu của mỗi con người.
Chắc chắn là tôi sẽ còn quay trở lại Sa Pa. Phải trở lại chứ! Vì sao ư? Vì Sa Pa là mảnh đất tình yêu, mảnh đất giữ người!
Trên đất nước mình, đâu đâu chẳng là mảnh đất tình yêu, mảnh đất giữ người? Hãy làm cho mảnh đất này ngày càng phì nhiêu, tươi đẹp. Tôi nghĩ thế, chân thành nghĩ thế.
Vậy còn bạn, bạn nghĩ thế không?
Kìa Xuân đang về. Lại một cái Tết đi qua. Hãy lắng nghe âm thanh trong lòng. Phải sống! Phải sống cho ra giá trị cuộc sống con người, dù cho thế nào đi nữa...
---------------------------
(1): Thơ Nguyễn Bính.
Hà Nội, 12/2004

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Truyện ngắn Muối Của Rừng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


Hồ Cảnh Hưng
Ra đời năm 1986 tới nay, "Muối của rừng" nhất loạt được bạn đọc yêu thích và được xem là một trong những truyện ngắn viết về mùa xuân hay nhất của mọi thời đại. Trước đây, chúng ta chỉ có những truyện về mùa xuân đời sống chứ không có mùa xuân nguyên thủy ở trong rừng như thế này.
1. Tóm tắt nội dung
Một ngày mùa xuân, ông Diểu cầm súng đi săn. Ông ta đi vào rừng, bắn một con khỉ đực. Dằn co con khỉ đực cùng con khỉ cái. Ông Diểu phóng sinh cho con khỉ đực. Ông Diểu đi một mình cô đơn trong rừng trong trạng thái trần truồng không một mảnh giáp che thân khi trở về. Trên đường về, ông Diểu gặp hoa tử huyền.
2. Phân tích
2.1. Con người trong hệ thống nhân sinh quan trần tục, gớm giếc
Ông Diểu nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ (hợm hĩnh).
Chim xanh ông chén chán rồi. Ngon thì ngon nhưng có vị tanh. Nhà ông thiếu gì chim. Chim bồ câu nhà ông có đầy (phàm tục đáng ghét).
Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn! (khốn nạn, đĩ thỏa).
Ông Diểu tức giận giương súng. Hành động hy sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét (hung thần).
Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả! Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn kịch thế này, lừa ông sao được? (khốn nạn, gớm giếc).
2.2. Sự dấn thân xúc chạm các hình thái tồn tại của sự sống
Ông Diểu ngồi im dễ đến nửa giờ. Mưa xuân mỏng và mịn. Thời tiết ấm. Dễ đến rất lâu ông Diểu mới lại có dịp ngồi yên thế này, không nghĩ gì không buồn không vui, không lo lắng, cũng không toan tính (khởi động).
Ào một cái, từ trong rừng dâu da bỗng như có tiếng quẫy động của một con vật khổng lồ (xuất hiện).
Ông từ từ dịch chuyển sang chỗ đất trũng thấp hơn. Ông nhìn kỹ và thấy con khỉ canh gác là con khỉ cái. Thế là thuận lợi rồi. Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm. Đấy, thấy chưa? Đang canh gác mà đi bắt rận ở người thì còn gì nữa? Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa... (nhận diện).
Ông Diểu bóp cò. Tiếng súng dữ dội đến nỗi đàn khỉ lặng đi dễ đến một phút (hành động).
Con khỉ đực buông tay ngã nhào xuống đất nặng nề. Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng (vào cuộc).
Con khỉ cái tiến đến gần con khỉ đực một cách thận trọng. Nhưng rồi con khỉ đực cất tiếng gọi nó, tiếng gọi buồn thảm đau đớn. Nó dừng lại lắng nghe với vẻ khiếp sợ hoảng loạn.
- Chạy đi!
Ông Diểu rên lên khe khẽ. Nhưng con khỉ cái tuồng như muốn liều thí mạng, nó đến gần nâng con khỉ đực nhỏm lên.
Ông Diểu tức giận giương súng. Hành động hy sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét.
Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả! Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn kịch thế này, lừa ông sao được? Khi ông Diểu chuẩn bị bóp cò thì con khỉ cái quay lại nhìn ông. Đôi mắt nó sợ hãi kinh hoàng. Nó vứt phịch con khỉ đực xuống đất rồi chạy biến đi. Ông Diểu thở phào rồi khẽ bật cười. Ông nhô hẳn người ra khỏi chỗ nấp.
- Sai lầm rồi!
Ông Diểu rủa thầm vì ông vừa bước ra thì con khỉ cái quay lại tức thì. "Nó biết mình là người thì thôi hỏng việc!" (dấn thân và tỉnh thức).
Ông đã lộ mặt là tên ám sát! Dù chết nó vẫn nhe răng để cười. Bất luận thế nào ông cũng sẽ đau đớn, sẽ thao thức, thậm chí ông sẽ chết sớm hai năm nếu ông bắn nó lúc này (xác nhận).
Từ mô đá, bỗng nhiên con khỉ con xuất hiện. Nó túm lấy dây súng của ông kéo lê trên đất. Ba con khỉ vừa bò vừa chạy cuống cuồng. Ông Diểu ngớ ra một lát rồi phá lên cười: tình thế của ông thật là lố bịch! (ngỡ ngàng).
Ông Diểu tái mặt, mồ hôi toát ra như tắm. Ông đứng trên miệng vực nhìn xuống rùng mình. Từ dưới sâu hun hút vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ. Trong ký ức của ông chưa hề có tiếng rú nào tương tự thế này. Ông Diểu lùi lại kinh hoàng. Từ dưới miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông vừa kinh dị, vừa đầy tử khí. Sương mù len vào từng chân bụi cây và xóa rất nhanh cảnh vật (rối trí).
- "Hay là ma?" - Ông Diểu nghĩ. - "Cô hồn của những bà cô ông mãnh thường biến thành hình khỉ trắng?" Con khỉ này màu trắng. Nó đoạt súng của ông bất thường đến nỗi ông cũng ngờ vực là sao sự thực có thể giản đơn như vậy? - "Ta có mê không?" - ông Diểu nhìn quanh. - "Tất cả như trong mộng mị?" (mơ hồ, hoảng loạn).
Phía núi đá ngược chiều Hõm Chết, bầu trời quang đãng không hề vướng gơn sương mù, tất cả cảnh vật lộ rõ từng đường nét (tỉnh giác).
Ông Diểu bình tĩnh bám vào các khe đá nứt leo lên. Được khoảng chục mét, ông Diểu thấy nóng bừng người. Ông leo thoăn thoắt và càng không ngờ sức mình có thể nhanh nhẹn dẻo dai đến thế. Con khỉ đực bị thương nằm trên ngọn đá phẳng lì và khá chông chênh (tiến sâu).
Từ trong ngực nó phát ra tiếng "hừm" nho nhỏ nghe rất đáng sợ, tựa như thần Chết bực mình cáu kỉnh vì sự can thiệp của ông với nó. Ông Diêu rút phắt tay lại. Con khỉ run bắn, nó đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn. Viên đạn phá vỡ bả vai của nó, làm trồi ra hẳn đoạn xương dài đến bốn phân (đối diện).
Con khỉ co rúm người lại và nghiêng đôi mắt ươn ướt nhìn ông. Ông Diểu tránh nhìn vào đôi mắt nó. Một lát, con khỉ rúc hẳn vào hai lòng tay ông Diểu. Miệng nó phát ra âm thanh lắp bắp nghe như tiếng của trẻ con (xúc chạm thiêng lương)
Ông Diểu thót mình và bám thật chặt vào tảng đá kinh hãi. Đoạn đường mà ông leo lên lúc nãy loáng cái chỉ còn một vết chém thẳng phẳng lì (bơ vơ, cảm nhận giữa những sự chuyển đổi).
Ông Diểu lần mò đến hơn hai tiếng đồng hồ mới xuống được đến chân núi. Thật chưa bao giờ ông lại vất vả và mệt đến thế. Người ông đầy vết xây xát. Con khỉ sống không ra sống, chết không ra chết (trạng thái chuyển biến).
- "Chẳng lẽ lại cứ nồng nỗng thế này về nhà thì thật khả ố!" - Ông Diểu bực mình. - "Mình sẽ thành một trò cười cho thiên hạ mất...". Ông cứ vừa đi vừa nghĩ và đâm loanh quanh một lúc mới nhận ra con đường. "Thì đã sao nào!" - Ông bỗng bật cười. - "Hỏi ai bắn được con khỉ thế này? Phải yến rưỡi thịt... Lông vàng như nhuộm... Bắn được con vật như thế này thì dẫu mảnh giáp không còn cũng đáng!" (hoài nghi, bám niếu giá trị cũ).
Có tiếng động khẽ đằng sau. Ông Diểu giật mình quay lại và nhận ra con khỉ cái. Thấy ông, nó thoắt biến vào bụi rậm. Hóa ra con khỉ cái theo ông từ khi ông ở trên núi mà ông không biết. Đi được một quãng, ông Diểu quay lại thì vẫn thấy nó lẽo đẽo đằng sau (vẫn ở trong cuộc).
Bây giờ, cả con khỉ đực cũng đã nhận ra tín hiệu vẫy gọi của đồng loại nó. Nó cứ giãy giụa, nó làm cho ông khổ vô cùng. Ông Diểu mệt lả, ông không còn sức giữ con khỉ nữa. Hai tay con khỉ cào trên ngực ông tóe máu. Ông đành tức giận ném nó xuống đất (ý thức chống trả biến mất).
2.3. Buông bỏ và trở về
Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề. "Thôi tao phóng sinh cho mày!" (buông bỏ).
Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt xuống dưới chân mình (ghê tởm mình, hệ giá trị thay đổi).
Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người (hệ giá trị mới xuất hiện).
Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi (trở về).
3. Hoa tử huyền
Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc (nguồn cội).
4. Kết luận
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái viết: về cuối truyện, nhà văn viết như mê sảng về hình ảnh của hoa tử huyền. Đúng như vậy, thật mê sảng, đối với cả chúng ta. Hình ảnh hoa tử huyền đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng về giá trị khởi nguyên, cội nguồn bất tử của con người. Trong văn học, hình ảnh hoa tử huyền đã được hầu hết các bạn đọc trẻ yêu thích. Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Sơn cho rằng cuộc đi săn bất ngờ trở thành sự tìm thấy thiêng lương của con người. Nhà văn trẻ Trần Nhã Thụy cho rằng truyện vượt cả Tướng về hưu! Một "nhà thơ" nữ thậm chí đã lấy bút danh của mình là Hoa Tử Huyền. Đối với tôi, hình ảnh hoa tử huyền tôi nghe như lời kinh cầu về một niết bàn nào đó rì rầm, vừa trang nghiêm vừa thấm đẫm một hương vị chân thực, luôn đã làm nao nức lòng mình. 

MUỐI CỦA RỪNG
Nguyễn Huy Thiệp
Sau Tết Nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân.
Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân dẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da. 
Chính dịp đó ông Diểu đi săn. 
Ý nghĩ đi săn nảy sinh khi thằng con học ở nước ngoài gửi về biếu ông khẩu súng hai nòng. Khẩu súng tuyệt vời, nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi, thật nằm mơ cũng không thấy được. Ở tuổi sáu mươi, với khẩu súng mới, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống. 
Ông Diểu nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ. Để cho cẩn thận, ông còn mang theo cả nắm xôi nếp. Ông đi men theo suối cạn, cứ thế ngược lên mó nước đầu nguồn. Cách mó nước một dặm là vương quốc của hang động đá vôi.
Ông Diểu rẽ sang lối mòn ngoằn ngoèo đi miết. Chim xanh đầy trên rặng gắm hai bên lối mòn nhưng ông không bắn. Với khẩu súng này mà bắn chim xanh thì thật phí đạn. Chim xanh ông chén chán rồi. Ngon thì ngon nhưng có vị tanh. Nhà ông thiếu gì chim. Chim bồ câu nhà ông có đầy. Đến chỗ ngoặt, ông Diểu giật mình bởi một tiếng soạt trong lùm dẻ gai. Một chùm dây màu sặc sỡ tung trước mắt ông. Ông nín thở: một đôi gà rừng ton tón lao về phía trước, đầu chúi xuống, kêu quang quác. Ông Diểu rê nòng súng theo. "Bắn sẽ trượt thôi!" Ông nghĩ bụng và ngồi bất động ở trong tư thế như vậy rất lâu. Ông muốn chờ rừng yên tĩnh lại. Đôi gà rừng sẽ nghĩ là chưa gặp người. Như thế tốt cho chúng nó. Cũng tốt cho ông.
Dãy núi đá cao ngất hùng vĩ. Ông Diểu ngắm nhìn để lượng sức mình. Nã được một chú khỉ hoặc chú sơn dương thì thật đã đời. Sơn dương thì khó, ông Diểu biết thế. Giống này bắn được chỉ nhờ ở ngẫu nhiên thôi. Ông Diểu không tin vận may sẽ đến. 
Cân nhắc kỹ, ông tính đi men chân núi đá vôi sang rừng dâu da săn khỉ. Chắc ăn hơn mà đỡ tốn sức. Đây là Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động (1) của thung lũng này. 
Ở rừng dâu da, khỉ có hàng bầy. Việc bắn được một chú khỉ với ông không khó. Ông Diểu dừng lại mô đất có cây dây leo. Không biết thứ cây này là thứ cây gì, lá bạc phếch giống như lá nhót, những bông hoa vàng như hoa tai rủ xuống tận đất. Ông ngồi đấy lặng lẽ quan sát. Cần xem bọn khỉ có ở đây không? Loài thú này khôn tựa người, khi kiếm ăn bao giờ cũng có canh gác. Con gác rất thính. Không thấy nó, đừng có hòng cuộc săn thắng lợi, đừng có hòng bắn được con át chủ bài. Con át chủ bài cũng là khỉ thôi. Nhưng đây là con khỉ của ông, là con ấy chứ không con khác. Vì vậy ông phải chờ, phải có cách thì mới bắn được.
Ông Diểu ngồi im dễ đến nửa giờ. Mưa xuân mỏng và mịn. Thời tiết ấm. Dễ đến rất lâu ông Diểu mới lại có dịp ngồi yên thế này, không nghĩ gì, không buồn không vui, không lo lắng, cũng không tính toán. Sự tĩnh lặng bình thản của rừng xuyên suất qua ông. Ào một cái, từ trong rừng dâu da bỗng như có tiếng quẫy động của một con vật khổng lồ. Ông Diểu biết là con đầu đàn đã đến. Con khỉ này cũng gớm lắm đây. Nó xuất hiện với một nghi lễ vương chủ. Tự tin đến thô bạo. Ông Diểu mỉm cười và chăm chú nhìn.
Sau tiếng động vài phút thì con đầu đàn đến thật. Nó văng mình rất nhanh đến nỗi gần như không có phút nghỉ ở mỗi chặng dừng. Ông Diểu thán phục vì sự nhanh nhẹn dẻo dai của nó. Thoắt một cái, nó biến mất. Một nỗi xót xa khiến ông nhói lòng: số phận của bậc đế vương không trùng với số phận ông. Niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi di một nửa.
Khi con khỉ đầu đàn biến mất thì ào ra một đàn khỉ đến hai chục con từ rất nhiều hướng. Con vắt vẻo trên cao, con đánh đu ngang cành. Có con lại nhảy xuống đất. Ông Diểu thấy ba con khỉ cứ quấn lấy nhau: con khỉ đực, con khỉ cái và đứa con nó.
Ý nghĩ con khỉ đực sẽ là con mồi bám lấy ông Diểu tức thì. Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn!
Ông Diểu thấy nóng bừng người. Ông bỏ mũ và áo bông ra dặt dưới lùm cây. Ông để cả nắm cơm xuống đất. Ông từ từ dịch chuyển sang chỗ đất trũng thấp hơn. Ông nhìn kỹ và thấy con khỉ canh gác là con khỉ cái. Thế là thuận lợi rồi. Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm. Đấy, thấy chưa? Đang canh gác mà đi bắt rận ở người thì còn gì nữa? Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất. Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa...
Ông Diểu tính toán rồi luồn theo hướng ngược gió với con khỉ cái canh gác. Phải tiếp cận đàn khỉ đến hai chục mét thì mới bắn được. Ông bò nhanh và rất khéo léo. Xác định được con mồi rồi là ông chắc chắn thành công. Thiên nhiên đã dành cho ông chứ không ai khác chính con khỉ ấy. Thậm chí ông biết dù ông có đi mạnh chân một chút, gây nên một sự bất cẩn nhố nhăng nào đó cũng chẳng hề gì. Điều ấy tưởng như phi lý mà thật bình thường. Tuy nghĩ vậy nhưng ông Diểu vẫn cứ tiếp cận đàn khỉ một cách thận trọng.
Ông biết thiên nhiên đầy rẫy bất ngờ. Thận trọng chẳng bao giờ thừa. Ông Diểu tỳ súng vào một chạc cây. Cái bộ ba trong gia đình khỉ không hề biết rằng tai họa đến gần. Con khỉ bố vắt vẻo trên cây bứt quả ném xuống dưới đất cho hai mẹ con. Trước khi ném, bao giờ nó cũng chọn quả ngon chén trước. Hành động ấy thật là đê tiện. Ông Diểu bóp cò. Tiếng súng dữ dội đến nỗi đàn khỉ lặng đi dễ đến một phút. Con khỉ đực buông tay ngã nhào xuống đất nặng nề.
Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng. Đàn khỉ thoắt biến vào rừng. Con khỉ mẹ và con khỉ con cũng chạy theo đàn. Được một đoạn, con khỉ mẹ bỗng quay trở lại. Con khỉ đực bị đạn vào vai, nó gượng dậy, nhưng lại vật xuống.
Con khỉ cái tiến đến gần con khỉ đực một cách thận trọng, nó nhìn ngó xung quanh. Sự im lặng này thật đáng ngờ. Nhưng rồi con khỉ đực cất tiếng gọi nó, tiếng gọi buồn thảm đau đớn. Nó dừng lại lắng nghe với vẻ khiếp sợ hoảng loạn.
- Chạy đi!
Ông Diểu rên lên khe khẽ. Nhưng con khỉ cái tuồng như muốn liều thí mạng, nó đến gần nâng con khỉ đực nhỏm lên.
Ông Diểu tức giận giương súng. Hành động hy sinh thân mình của con khỉ cái làm ông căm ghét.
Đồ gian dối, mày chứng minh tấm lòng cao thượng hệt như một bà trưởng giả! Sự tan rã đạo đức bắt đầu từ những tấn kịch thế này, lừa ông sao được? Khi ông Diểu chuẩn bị bóp cò thì con khỉ cái quay lại nhìn ông. Đôi mắt nó sợ hãi kinh hoàng. Nó vứt phịch con khỉ đực xuống đất rồi chạy biến đi. Ông Diểu thở phào rồi khẽ bật cười. Ông nhô hẳn người ra khỏi chỗ nấp.
- Sai lầm rồi!
Ông Diểu rủa thầm vì ông vừa bước ra thì con khỉ cái quay lại tức thì. "Nó biết mình là người thì thôi hỏng việc!" Y như rằng, con khỉ cái vừa lén nhìn ông vừa lao đến chỗ con khỉ đực. Nó ghì lấy con khỉ đực vào lòng rất nhanh và khéo. Cả hai lăn tròn trên đất. Bây giờ thì con khỉ cái chắc chắn sẽ điên cuồng như một mụ ngốc. Nó sẽ cuồng nhiệt hy sinh bởi lòng cao thượng của nó sẽ được thiên nhiên tính điểm. Ông đã lộ mặt là tên ám sát! Dù chết nó vẫn nhe răng để cười. Bất luận thế nào ông cũng sẽ đau đớn, sẽ thao thức, thậm chí ông sẽ chết sớm hai năm nếu ông bắn nó lúc này. Tất cả chỉ vì ra khỏi chỗ nấp sớm mất hai phút.
- Thôi Diểu ơi... - Ông buồn bã nghĩ, - với đôi chân thấp khớp thế này thì làm sao mày chạy nhanh bằng lòng tận tụy, thủy chung của khỉ?
Như trêu ngươi, hai con khỉ vừa chạy vừa dìu lấy nhau, con khỉ cái thỉnh thoảng lại huơ huơ đôi chân vòng kiềng trông vừa tức cười lại vừa đểu cáng. Ông Diểu bực mình lấy đà ném mạnh khẩu súng văng về phía trước. Ông mong muốn con vật hoảng sợ buông mồi.
Từ mô đá, bỗng nhiên con khỉ con xuất hiện. Nó túm lấy dây súng của ông kéo lê trên đất. Ba con khỉ vừa bò vừa chạy cuống cuồng. Ông Diểu ngớ ra một lát rồi phá lên cười: tình thế của ông thật là lố bịch!
Nhặt đất đá ném theo lũ khỉ, ông Diểu vừa đuổi vừa la. Lũ khỉ hết sức kinh hoàng, hai con chạy về phía núi, còn con khỉ nhỏ chạy về phía vực. "Mất súng thì hỏng". Ông Diểu nghĩ thế và đuổi theo con khỉ nhỏ. Khoảng cách rút ngắn đến mức nếu không vì mắc nền đá lởm chởm, ông lao nhoài ra là tóm ngay được khẩu súng. 
Việc ông Diểu dồn con khỉ nhỏ đến bờ miệng vực đưa đến hậu quả khôn lường. Giữ chặt dây súng, nó lăn xuống miệng vực không chút chần chừ. Vì ít kinh nghiệm, nó không tìm ra giải pháp nào khác trong trường hợp ấy. 
Ông Diểu tái mặt, mồ hôi toát ra như tắm. Ông đứng trên miệng vực nhìn xuống rùng mình. Từ dưới sâu hun hút vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ. Trong ký ức của ông chưa hề có tiếng rú nào tương tự thế này. Ông Diểu lùi lại kinh hoàng. Từ dưới miệng vực, sương mù dâng lên cuồn cuộn, trông vừa kinh dị, vừa đầy tử khí. Sương mù len vào từng chân bụi cây và xóa rất nhanh cảnh vật. Ông Diểu chạy lùi trở lại. Phải lâu lắm, có lẽ từ thời thơ ấu, ông Diểu mới lại có lần chạy như ma đuổi thế này.
Đến chân núi đá, ông Diểu kiệt sức. Ông ngồi phệt xuống nhìn về phía vực. Bây giờ sương mù đã trùm kín nó. Ông sực nhớ ra đây là khu vực đáng sợ nhất trong thung lũng, khu vực mà cánh thợ săn đặt tên cho là Hõm Chết. ở hõm sâu này, gần như đều đặn, năm nào cũng có người bị sương mù giăng bẫy làm cho toi mạng. "Hay là ma? - Ông Diểu nghĩ. - Cô hồn của những bà cô ông mãnh thường biến thành hình kìlỉ trăng?" Con khỉ này màu trắng. Nó đoạt súng của ông bất thường đến nỗi ông cũng ngờ vực là sao sự thực có thể giản đơn như vậy? - "Ta có mê không? - Ông Diểu nhìn quanh. - Tất cả như trong mộng mị?" - Ông đứng dậy nhìn lên vách núi bàng hoàng. Phía núi đá ngược chiều Hõm Chết, bầu trời quang đãng không hề vướng gơn sương mù, tất cả cảnh vật lộ rõ từng đường nét.
Có tiếng kêu thảng thốt. Ông Diểu trông lên thì bỗng thấy con khỉ đực bị thương nằm vắt ở trên mỏm đá. Không thấy con khỉ cái. Ông mừng quá tìm hướng leo lên.
Núi đá dốc và trơn. Leo lên nguy hiểm và vất vả lắm. Ông Diểu lượng sức: "Nhưng dù thế nào thì ta cũng phải tóm được chú mày!" Ông Diểu bình tĩnh bám vào các khe đá nứt leo lên.
Được khoảng chục mét, ông Diểu thấy nóng bừng người. Lựa chỗ đứng thuận tiện, ông cởi bỏ giày và quần áo ngoài để lên một chạc cây duối. Trên mình mỗi chiếc quần lót, ông thấy thoải mái. Ông leo thoăn thoắt và càng không ngờ sức mình có thể nhanh nhẹn dẻo dai đến thế.
Con khỉ đực bị thương nằm trên ngọn đá phẳng lì và khá chông chênh. Dưới phiến đá, một khe nứt rộng đến gang tay tách nó ra khỏi vách núi. Ông Diểu rùng mình, cảm tưởng như bất cứ lúc nào tảng đá cũng có thể lăn nhào khỏi vị trí ấy làm ông kinh hãi. Thiên nhiên oái oăm lại muốn thử thách thêm lòng dũng cảm của ông sao đó.
Ông Diểu lấy hai cùi tay làm tựa để co người lên. Con khỉ tuyệt đẹp, lông mịn và vàng. Nó nằm sấp mình, hai tay cào trên phiến đá như muốn tìm cách nhích lên. Máu đỏ bết bên vai nó.
Ông Diểu đặt tay lên mình con khỉ và thấy nó nóng hầm hập. "Dễ đến hơn yến..." Ông Diểu luồn tay xuống dưới ngực con khỉ nâng lên ước lượng. Từ trong ngực nó phát ra tiếng "hừm" nho nhỏ nghe rất đáng sợ, tựa như thần Chết bực mình cáu kỉnh vì sự can thiệp của ông với nó. Ông Diêu rút phắt tay lại. Con khỉ run bắn, nó đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn. Ông Diểu bỗng thấy thương hại. Viên đạn phá vỡ bả vai của nó, làm trồi ra hẳn đoạn xương dài đến bốn phân. Mối khi đoạn xương va chạm, con khỉ quằn quại trông rất đau lòng.
- "Để thế không ổn!" - Ông Diểu vơ lấy một nắm cỏ Lào vò nát, ông cho vào miệng nhai kỹ. Ông đắp nắm lá vào miệng vết thương con khỉ. Nắm lá sẽ có tác dụng cầm máu cho nó. Con khỉ co rúm người lại và nghiêng đôi mắt ươn ướt nhìn ông. Ông Diểu tránh nhìn vào đôi mắt nó.
Một lát, con khỉ rúc hẳn vào hai lòng tay ông Diểu. Miệng nó phát ra âm thanh lắp bàp nghe như tiếng của trẻ con. Ông biết nó đang van xin và tìm một sự giúp rập. Ông rất khó chịu.
- "Thà mày chống cự thì tốt cho tao, - ông Diểu nhìn vào cái đầu ngoan ngoãn của con khỉ nhỏ cau mày. - Mình đâm già rồi... Nó biết người già thì dễ mủi lòng. Bây giờ tao biết lấy gì băng bó cho mày hở khỉ?"
Ông Diểu suy nghĩ. Ông đành cởi chiếc quần lót đang mặc. Ông dùng chiếc quần lót ấy để băng vết thương cho nó. Vết thương cầm máu, con khỉ không còn rên nữa.
Cứ thế trần truồng, ông Diểu vừa bế vừa đỡ con khỉ tìm đường tụt xuống chân núi. Thoắt nhiên, đất đá từ lưng chừng núi sụt xuống rào rào như có sức mạnh nào đấy xô đẩy. 
Núi lở! 
Ông Diểu thót mình và bám thật chặt vào tảng đá kinh hãi. Đoạn đường mà ông leo lên lúc nãy loáng cái chỉ còn một vết chém thẳng phẳng lì. Ông Diểu không còn thấy cây duối để quần và giày đâu nữa. Đi xuống đường ấy bây giờ thật nguy hiểm. Đành phải vòng ra sau núi. Xa hơn nhưng lại an toàn.
Ông Diểu lần mò đến hơn hai tiếng đồng hồ mới xuống được đến chân núi. Thật chưa bao giờ ông lại vất vả và mệt đến thế. Người ông đầy vết xây xát. Con khỉ sống không ra sống, chết không ra chết. Kéo nó trên đất thì quá đau lòng, mà bế ẵm nó trên tay thì không đủ sức.
Đến chỗ lùm cây leo nấp chờ ban sáng, ông Diểu dừng lại để tìm mũ áo và nắm xôi nếp. ở đấy đùn lên một đống mối to gần bằng cây rạ. Đống mối nhớp nháp một thứ đất mới đỏ au, trên đấy đầy những cánh mối ướt rụi. Khốn nạn, dây vào tổ mối thì những đồ vật của ông thành cám! Thở dài thất vọng, ông Diểu quay lại bế con khỉ lên.
- "Chẳng lẽ lại cứ nồng nỗng thế này về nhà thì thật khả ố! - Ông Diểu bực mình. - Mình sẽ thành một trò cười cho thiên hạ mất...".
Ông cứ vừa đi vừa nghĩ và đâm loanh quanh một lúc mới nhận ra con đường.
- "Thì đã sao nào! - Ông bỗng bật cười. - Hỏi ai bắn được con khỉ thế này? Phải yến rưỡi thịt... Lông vàng như nhuộm... Bắn được con vật như thế này thì dẫu mảnh giáp không còn cũng đáng!"
Có tiếng động khẽ đằng sau. Ông Diểu giật mình quay lại và nhận ra con khỉ cái. Thấy ông, nó thoắt biến vào bụi rậm. Hóa ra con khỉ cái theo ông từ khi ông ở trên núi mà ông không biết. Ông thấy là lạ. Đi được một quãng, ông Diểu quay lại thì vẫn thấy nó lẽo đẽo đằng sau. Thật khốn nạn quá! Ông Diểu đặt con khỉ đực xuống đất rồi nhặt đất đá đuổi con khỉ cái. Nó kêu the thé rồi chạy biến đi. Chỉ được một lúc, ông Diểu ngó lại thì vẫn thấy nó lẵng nhẵng bám theo.
Cái bộ ba ấy cứ thế lầm lũi xuyên rừng. Con khỉ cái cũng thật kiên trì. Ông Diêu bỗng thấy bị xúc phạm ghê gớm. Tựa như ông bị theo dõi, bị đòi ăn vạ.
Bây giờ, cả con khỉ đực cũng đã nhận ra tín hiệu vẫy gọi của đồng loại nó. Nó cứ giãy giụa, nó làm cho ông khổ vô cùng. Ông Diểu mệt lả, ông không còn sức giữ con khỉ nữa. Hai tay con khỉ cào trên ngực ông tóe máu. Cuối cùng, không thể chịu nổi, ông đành tức giận ném nó xuống đất.
Con khỉ đực nằm dài trên vạt cỏ ướt. Ông Diểu buồn bã ngồi nhìn. Cách đó không xa, con khỉ cái cũng thập thò sau một gốc cây theo dõi.
Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.
- "Thôi tao phóng sinh cho mày!" - Ông Diểu ngồi yên một lát rồi bỗng đứng dậy nhổ bãi nước bọt xuống dưới chân mình. Lưỡng lự giây phút rồi ông vội vã bỏ đi. Hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến chỗ con khỉ đực nằm.
Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc. 
Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông nhòa vào màn mưa. 
Chỉ ít ngày nữa sang tiết Lập hạ. Trời sẽ ấm dần.
1986
------------------
(1): Địa danh trong truyện “Tây du ký”.