Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Câu chuyện đọc Vong bướm và Truyền thuyết tìm vua



Hồ Cảnh Hưng
Đầu năm mới năm nay có sự kiện ra đời hai tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhưng kỳ lạ đó là hai tác phẩm chèo toàn bằng lục bát. Sự kiện có hai tác phẩm mới này làm háo hức biết bao nhiêu người. Tôi nhớ vào đúng độ những ngày đầu tháng Giêng vừa mới ra Tết, bất ngờ trên web Sài Gòn Tiếp thị tôi đọc được những dòng đầu tiên mục lời nói đầu của Vong bướm, tôi đã bức xúc thế nào. Tôi đọc chậm, diễn cảm, từ từ, chỉ cần những chèo là, chèo là tôi đã bắt đầu run; sang tới “chừ đây bên nớ bên tê” thì hầu như tôi liệt mất nửa người! Từ trước tới giờ chưa bao giờ tôi còn hy vọng tìm đọc được tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà nay trong một phút vô tình đã tìm gặp được nó, thì đối với tôi sự kiện quá bất ngờ. Từ sau Vong bướm nhiều ngày tôi cảm thấy liệt giường bởi bao nhiêu những trận đời hung tàn, khủng khiếp ụp xuống đầu. Bên cạnh đó, tác phẩm thứ hai làm tôi thật sự nao núng đó là Truyền thuyết tìm vua đã được giới thiệu nhưng chưa lên trên mạng và phải chờ cho tới Nghệ thuật mới. Tôi đã đếm từng ngày vì nghĩ rằng đây sẽ phải là một sự kiện sẽ làm rộn lên những hỉ nộ ái ố xung quanh nhà văn danh tiếng và quyến rũ bậc nhất này. Ngày chờ đợi đã đến, từ xa tôi về Sài Gòn lục kiếm Nghệ thuật mới trong các nhà sách (vì tôi đinh ninh nó là một cuốn tạp chí hoặc một cuốn sách), nhưng không tìm được. Tôi chờ thêm vài ngày nữa vì nghĩ rằng có thể sách phát hành ở Hà Nội, đường vận chuyển xa nên nó chưa thể tới Sài Gòn. Để chắc ăn, tôi nán đợi hai ngày nữa mới lại vào Sài Gòn. Nhưng vẫn không có! Các cô nhà sách không biết Nghệ thuật mới là gì. Trên đường về tôi ghé qua đường Nguyễn Văn Cừ, vào một quầy báo hỏi. Thì có. Có. Tôi cho rằng hy hữu, vì thực sự trước đây tìm một cuốn gì có tính chất văn nghệ là một việc vô cùng khó khăn. Nhưng trời, trên đường về ở hai bên đường Nguyễn Thị Minh Khai tôi thấy Nghệ thuật mới có đầy! Hết sạp này tới sạp khác, một ông Chế đứng bên trên và  một ông khoanh tay đứng dưới treo đầy. Tôi cầm tờ báo trên tay mà mắt cứ ngó mấy cái tờ báo treo trên sạp của người ta.
Tôi quăng tờ báo trên xe chạy thẳng về nhà nhưng tôi chưa đọc được vì có khách. Có hai ông anh bà chị tôi tới chơi. Nghe tiếng cửa xe đóng cái "khình" thì hai ông bà kẻ trước người sau đi vào. Vào nhà, ông nọ cầm lấy cuốn báo nằm xuống ghế bố đọc ngay. Hai vợ chồng thỉnh thoảng chọc ghẹo nhau một câu và ông chồng của bà vợ xổ Nguyễn Bảo Sinh ra. Nhưng ông ta đọc quá lâu...!! Tôi phát run khi họ ra về. Tôi nhặt xấp báo lận lưng, ngó quanh, xem có ai quở trách gì không. Không! Để thưởng thức món ngon, tôi kéo cái ghế ra ngoài cây nhãn, pha thêm một ấm trà nóng, ngồi xuống, và đọc. Từ suốt sáng tới giờ tôi chưa dám để mắt vào vì sợ mất chữ đi, còn bây giờ thì tự do hoàn toàn.
Bắt đầu bằng sự kiện Nguyễn Kim “bớ ba quân” ra, rồi Trịnh Kiểm ra, rồi chúa Chổm ra. Sa sả, sa sả giàn đồng ca từ trên trời giáng xuống những trên cao thăm thẳm trời xanh, đời người vùn vụt trôi nhanh như là. Rồi giàn đồng giao. Rồi mẹ Chổm. Rồi những tôi hóa dại, tôi hóa khôn, tôi nói xuôi cũng được, nói ngược cũng dễ nghe. Rồi lại những giàn đồng ca, rồi Chổm. Rồi ngộ thiền, dễ mấy ai. Đường trần nào dễ mấy ai... Tôi chết đứng!
Nói chung, trong giai đoạn đầu xuân năm mới năm vừa rồi tràn ngập trên mạng một sự kiện kinh thiêng động địa vì Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp hiện tại đang ở đâu? Đang bán Vong bướm ngoài chợ trời. Đang giao lưu. Đang ngồi dựa ngửa ở cà phê Trung Nguyên. Đang ở đâu nữa? Đang “đời vô minh, tầm thường”. Nguyễn Huy Thiệp đang làm cho các ông Lưu, ông Xuân phát điên! Đọc xong Vong bướm tôi muốn nằm liệt giường bởi những lời như tiên tri về số phận của những người lưu lạc và của văn nghệ sĩ, tôi nằm bẹp dưới sàn nhà. Sang Truyền thuyết tìm vua thì với những ý tứ cực kỳ đơn giản nhưng thâm hậu khiến tôi liệt toàn thây. Đọc, đọc, đọc, Truyền thuyết tìm vua hết, tôi chửng hửng. Sao nó hết liền liền như vậy chứ, hử ông trời? Hết một cách đau đớn. Trong quá trình đọc tôi cứ phải giở lui xem nó còn được bao nhiêu nữa, liệu có còn được dài dài nữa không, thì nay hết trơn! Chấm hết. Tôi bước vào dòng Dường như chú giải như một người lần đầu tiên bước vào vườn yêu, chữ nào chữ nấy hiện ra tôi nuốt trọn như nuốt chửng một trái ổi. Nhiều người đọc bảo không thích đoạn này, với tôi, đoạn đó là một trong những đoạn hay nhất từ trước tới giờ tôi đọc văn. Câu chữ, ngữ nghĩa, mê man bất tận, gợi ý ra hằng trăm ngàn cái hiểu mới mẻ tôi chưa từng tiếp xúc bao giờ. Nói về người, nói về tiên thiên, hậu thiên, nói về đời, về Đạo, về thượng nhân, hạ nhân, nói về Tâm Thức, nói về Khí, nói về Mệnh, giữa một mùa xuân như vậy, tôi cảm giác thông suốt trời đất, không còn có thể nói gì được nữa. Thời gian sau hầu như tôi tê liệt trong cái chân trời ấy, cho tới mãi bây giờ. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đặc biệt ông nói về đời sống, về Đạo tuyệt hay, trong đời tôi chưa từng nghe ai nói về Đạo, về con người, về cuộc sống và về trời đất hay như ông. Tôi cứ lên trên mạng chờ nghe tin tức, rồi đi ra ngó lên cây táo dại, rồi lại đi vào, dỏng tai nghe ngóng. Lại những ông Lưu, ông Xuân, ông Thuấn la hét om sòm. Tôi đi trên đường, Vong bướm với lại Chúa Chổm cứ từ cái không gian trong đầu nó tiết ra, kêu lên. Giật mình trong mơ tôi cũng chứng thấy được hai câu, bốn câu, hoặc một đoạn. Nó nảy ra, nó tự kêu lên và tự nó được chứng thấy, đến nỗi, cho tới giờ này tôi cũng chửa dám trích dẫn lấy một câu, một đoạn nào trong hai vở kịch chèo đó cả vì cứ như có cái gì đó nhiều quá, trong một mạch thẳng thớm quá, cắt riêng ra ngoài thấy uổng quá. Nhà thơ Trần Đăng Khoa bảo Nguyễn Huy Thiệp lừa bạn đọc, tôi đứng như trời trồng không hiểu ông lừa người ta chỗ nào. Ông viết quá hay, đọc, ngấm vào, giãn nở ra, tự nó đi theo những quỷ đạo riêng xâm chiếm người ta, nó có đời sống riêng của nó mà dù muốn hay không vẫn không giở bỏ nó ra ngoài được. Tôi chết!
Ôi chao là vong bướm. Bây giờ tôi vẫn còn thấy toàn là vong với bướm. Những xương thay chất trắng đồng, những cái chết thảm, những cháy sém vườn cam, mái chanh, những vụ thất tiết, bỏ mạng như khói tận thế trùm lên không gian.
Khoảng tháng bảy vừa rồi ở cầu Bình Triệu các thày nghe vong hồn chết oan ức về kêu các thày ra đọc kinh cầu siêu giúp, mặc mưa gió các vị ra lập đàn cầu siêu, tôi cũng ra, đứng trên bờ sông, tôi muốn tắt thở. Nghĩ, một kiếp trôi nổi, ân oán trong đời mỗi người biết bao nhiêu mà kể. Lại nghĩ tới Vong bướm, tới chữ tình, chữ đa đoan, tới ngu si, sân hận, đớn đau, tới những vong ma, tận thế, mất mùa, dịch bệnh, oán hờn, tới vườn cam, mái gianh, tới việc đi Tây, đi Tỉnh, tới việc yêu đương, rượu chè, cờ bạc, gái trai, tới những chân dài chân ngắn bước đi, tới giấm thanh lửa nồng, nợ nần, Ma vương, quỷ vương, rồi tới cái đi mà không đến, tới cái sinh lão bịnh tử, tới cái chết, tới Đạo. Tôi sững sờ. Tôi chết!
Sau đó, ở trên một tỉnh miền núi, tôi đưa máy chụp hình và tiền bồi dưỡng cho hai ông nọ sẵn tiện xe sú (rau cải) trở về Sài Gòn đi lấy tư liệu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi nghe tin ông giao lưu tại Trường Đại học KH Xã hội & Nhân văn. Hai ông này được bồi dưỡng một ít vốn, ra đi từ chín giờ tối, về tới Sài Gòn khoảng ba giờ sáng, ngủ quán, rồi tới Đại học KH Xã hội & Nhân văn giao lưu vào bảy giờ sáng. Tôi bảo các ông ấy hãy quay phim Nguyễn Huy Thiệp gần được chút nào hay chút đó để thâu được cả âm thanh, để có thể tôi có tư liệu riêng. Tôi bảo như thế. Hai ông ra đi, hoàn tất thêm một số việc ở đó nữa, rồi trở về, đưa lại máy ảnh cho tôi. Tôi đem máy ảnh vào văn phòng mở ra xem. Nhưng các đoạn video không đoạn nào nghe được tiếng cả. Tôi đã phải mất tới một ngày để cải tiện chất lượng âm thanh nhưng vẫn không nghe được lấy nửa chữ. Tôi phóng to tiếng lên trong la thùng thì các “đương sự” không nói mà các đương sự lại hú! Các bức các ông chụp cũng không bức nào sáng tỏ, chỉ có một bức ảnh các ông chụp chữ “Giao lưu với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp” là sáng rõ. Trong bức ảnh đó có cả một cô sinh viên đứng bên tờ phướn, giơ hai ngón tay, trông như một con yêu tinh. Như vậy thì chẳng được cái gì cả, coi như “đi mà không đến” đây!
Tôi thực sự phát điên, vì thực tế tôi đâu có nhờ vả không? Tôi quay ra hỏi hai ông có nhớ Nguyễn Huy Thiệp nói gì không. Một ông bảo: Tôi đi vào quay phim, tôi nghe ông nhà thơ Bảo Sinh đọc thơ hay kinh (nguyên văn). ổng đọc cái gì? Ông nọ bảo tôi: ổng nói gì đó là “ta đã hại cuộc đời ba bốn lần rồi, xin sorry!” Còn Nguyễn Huy Thiệp nói gì? Ông nọ bảo tôi: Tôi nghe ông ấy nói gì là “viết văn mà không có tiền thì vứt đi”! Tôi hỏi: Trông Nguyễn Huy Thiệp thế nào? Ông nọ bảo: Nhìn là biết người không tầm thường. Tôi bảo: Vậy hả?
Nhưng, chuyện đã qua rồi. Hôm nay nghe người ta Happy New Year trong loa thùng thì tôi chợt nhớ… Tôi thực sự run, không biết năm nay có được đọc tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nữa không. Ước gì được. Mùa xuân ngày xưa là mùa của tình yêu, còn với tôi bây giờ mùa xuân là mùa của lục bát, của văn chương, của thơ, kịch chèo, của nỗi buồn và của những đau khổ bứt rứt trái tim.
Mùa xuân là mùa của chết chóc, của tàn tạ, của những nỗi buồn bứt rứt con tim…