Hồ Cảnh Hưng
Những truyện ngắn hay thật sự hiếm lắm. Lâu lâu đọc được một truyện ngắn kì thú tinh thần được tắm gội.
Tôi nghĩ những ai thích đọc sách mà được sống trong thời buổi có những nhân tài văn chương là điều rất hạnh phúc. Các Phật tử nói, có nhiều hoại kiếp trái đất không có Phật xuất hiện, ở những triều đại đó con người sống vô ích. Đối với văn chương cũng vậy, người yêu thích văn chương mà sống trong thời đại không có thiên tài văn chương, sống trong thời đại văn chương suy tàn thì cũng là một điều bất hạnh vô cùng.
Tôi thích đọc những gì kì thú. Ví dụ như truyện Người gác đèn biển tôi mới đọc hôm nào đây. Một lão già cô đơn sống trên hòn đảo để canh gác ngọn đèn biển. Suốt đời lang bạt không nơi nương tựa, chạy trốn qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, từ châu Mỹ, châu Phi đến châu Âu, sống ở đâu cũng đầy hiểm nguy, tới lúc được nhận vào làm người gác đèn cho một trụ hải đăng giữa vịnh Panama không còn bị tai họa rình rập nữa thì tự nhiên lão già sung sướng nhảy lên như điên. Lão nhìn qua hòn đảo bên kia thấy những con trăn quằn quại thì chợt giật nảy mình. Lão biết ở những cánh rừng như thế tai họa rình rập con người ta gớm giếc đến mức nào. Nhưng cũng ngay lúc ấy lão biết con trăn không thể hại gì được mình thì đột nhiên toàn thân sung sướng, tay chân như phát ra điệu nhảy, lão lè lưỡi ra trêu ghẹo con trăn. Cũng là lần đầu tiên lão thấy sao nó đẹp kì diệu như vậy, sao nó cao siêu như vậy khiến lão ứa nước mắt. Một mình giữa biển khơi lão già quên ngày quên tháng, bốn bề chỉ có trời và nước. Từ trên cao những con sóng chỉ như một vệt trắng dài chầm chậm giữa biển khơi. Một ngày nọ có người tặng cho lão một cuốn thơ tiếng Ba Lan, lão mở sách ra đọc, thấy những bài thơ của thi hào đất nước mình thì kí ức quê hương Ba Lan của lão tràn về. Lão già ôm cuốn sách nằm thao thức suốt đêm. Sáng hôm sau một chiếc thuyền của nhà chức trách ghé đến thông báo rằng lão bị đuổi việc vì quên đốt lửa cho trụ hải đăng đã khiến một chiếc tàu đâm vào ghềnh đá. Lão bị đuổi khỏi hòn đảo và như một chiếc lá, Thượng đế đã thổi lão bay qua các lục địa, qua các đại dương, tới ngày cuối cùng tưởng đã được một chốn yên thân không ngờ đã phải trở lại đất liền để không thôi hành hạ. Một lão già chưa hết sững sờ lại đi giữa thành phố nước Mỹ với một cuốn sách ôm trước ngực thỉnh thoảng như rớt xuống. Đọc những điều đó ta thấy thế nào? Ta không thể biết được cái bí mật đó của việc đọc văn, nhưng đó là điều tuyệt vời, trên cả tuyệt vời. Hoặc trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng vậy. Tôi thật choáng ngợp, đến độ nhiều khi tôi không còn biết viết gì về cảm xúc của mình nữa. Là một độc giả, bạn rất hạnh phúc nếu có những cuốn sách bạn thích và được viết về những cuốn sách ấy. Một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học trong quá trình tiếp xúc với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp tôi thấy họ đã lạc lối rồi. Đọc vài người trong số ấy thật tình đôi khi tôi không biết họ viết như thế như thế để làm gì và vì mục đích gì. Ví dụ thời gian gần đây tôi đọc những bài viết của các ông Nguyễn Hoàng Đức, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ và Trần Nghi Hoàng về Nguyễn Huy Thiệp. Tôi có cảm giác ghê tởm. Tôi thích được phiêu lưu vào hệ thống cảm xúc-ngữ nghĩa trong chính con người mình. Được theo bước chân phiêu lưu của anh Chương đi tìm Con gái thủy thần, hàng loạt các cô Phượng đẹp như tiên xuất hiện ra. Một gã đói như con lợn rừng, như người từ thời trung cổ bước ra trong một buổi sáng tinh sương cầm con dao đứng giữa ngã ba đường chờ một người đi qua đâm chết để lấy một ngàn đồng ăn bát phở. Rồi khi tiếng của một mụ đàn bà chua nọc vang lên "Phượng ơi, có người chờ để gánh thuê cho mày đi chợ kìa" đã đưa anh ta vào chợ cho ăn bánh đúc. Trong lúc ăn, cô Phượng bỏ cả đũa ngồi nhìn anh ta ăn. Không phải ở đâu người ta cũng cho mình được cái cảm giác đó. Trong Không có vua, nhiều điều cứ như có một lưỡi dao lướt qua cuống tim muốn hớt đứt trái tim mình rớt ra ngoài. Tôi còn nhớ một đêm đọc cuốn sách này ôm cuốn sách tôi run lên. Về sau, một cử động nhỏ của Khiêm cũng khiến mình phải cực kì chú ý vào, vì hình như phải có cái gì đó để mình bám víu trong một sự thử thách ghê gớm. Ngày tết, Khiêm lì xì tiền cho chị dâu muốn ứa nước mắt. "Anh Cấn giữ hết tiền, tôi không có gì mừng tuổi cho chú. Chị mừng tuổi Tốn một trăm. Đây là lộc của chú Khiêm". Thế về làm dâu nhà này chị có khổ không? "Khổ chứ. Nhục lắm. Vừa đau đớn vừa chua xót. Nhưng thương lắm". Tốn mỉm cười ngô nghê nhắc lại: "Thương lắm". Một cái gì bứt rứt ẩn giấu sâu xa trong tác phẩm không thể nói nên lời. Nhưng mặc dù vậy ta vẫn không cần bất kì một sự trợ giúp để có cái ta cần. Hệ thống ngữ nghĩa của tác phẩm trước nhất phải được nảy sinh trong tim người đọc. Ở Không có vua, mỗi một cử chỉ của Sinh đều sáng lên một tri giác, một thiên tính rất cao siêu, là cái không thể tiếp cận được bằng lý lẽ, đó là điều chắc chắn. Bạn đọc tìm trong câu chữ của truyện thấy rất ít, nhưng Sinh thay một bộ đồ mới ra cầm ba nén nhang lạy bàn thờ tổ tiên, nói một câu, làm một việc dù được mô tả rất đơn giản nhưng vẫn biểu hiện lên một nội dung đưa tới sự hiểu biết rất lớn. Đó là một loại nghệ thuật siêu tuyệt tôi thấy chỉ có ở những nhà văn bậc thầy. Bằng cách ấy, tác giả đưa chúng ta qua những phút giây khủng khiếp. Đoài sàm sở chị dâu, rồi ngày giỗ, khi ở trong buồng, đã dê cả chị dâu mình. Sinh bật khóc. Cấn về, Cấn hỏi sao chồng chén bát chưa rửa. Sinh bảo: "Tôi có ba đầu sáu tay đâu?" Cấn xô chồng bát đĩa đi ra. Tác giả ghi ngay lên trái tim ta một sự nhận biết, một dấu hiệu của bạo lực, khiến chúng ta phải run rẩy lên. Không có vua là một tác phẩm tiên tri, là quẻ càn khôn sinh mệnh của xã hội Việt Nam hiện đại. Một Tướng về hưu thứ hai! Tác giả làm một quẻ bói vào cái bào thai xã hội Việt Nam bằng 7 nhát chém dứt khoát, dự báo một xã hội mới ra đời. Trong xã hội đó, một tay như Đoài dẫn dắt tất cả. Chúng ta không thể không kinh khủng hắn nhưng không phải là hắn không có lý. Trong ngày đứa bé sinh ra nghe tin cậu ruột của mình chết, hắn phán một câu như một tên Ivan Karamazov: "Cứ gác lại đã. Các bác già chết đi có gì là lạ". Nhưng muốn hay không muốn chúng ta cũng cần phải nhìn vào điều này. Đây là một tác phẩm hiện thực nghiêm túc chứ không phải kể đến việc tốt xấu theo cái nghĩa lý thông thường. Một hệ thống giá trị hoàn toàn khác không dễ thâm nhập ngay cả những người đương thời của nhà văn. Trong quá trình theo dõi dư luận, tôi thấy có một số trường hợp trong quá trình đi tìm Nguyễn Huy Thiệp đã lý giải "hiện tượng" Nguyễn Huy Thiệp rất nông nổi và nhầm lẫn. Quá trình nhiều khi đã sa vào trò chẩn đoán tâm lý nhà văn hết sức ghê tởm. Thứ nhất, nếu nói về việc "gặp thời" ("mưa đúng lúc") thì phải biết nhìn nó trong một nguyên lý thống nhất vũ trụ cao hơn. Phật nói: "Nơi nào đông đủ các đệ tử thì nơi ấy xuất hiện một vị thầy". Không bắt được thời thì mọi hạt giống đều vô ích và cũng đừng ảo tưởng có thể trồng được vườn cây trái trên mặt trăng. Xét đến tột cùng thì tất cả mọi việc trên đời đều là chuyện ngặp thời và nói chung mọi thứ đều là hiện tượng. Các nguyên tử ví dụ như ôxy, cácbon, nitơ và hyđrô, cũng là hiện tượng, đang trong quá trình hình thành hoặc hủy diệt. Cầm một mẫu xương hóa thạch người ta đo mức phóng xạ để biết niên đại của nó mấy ngàn hoặc mấy triệu năm. Phóng xạ, tức là nó đang rò rỉ, đang tan rã dần dần. Phật nói “Núi Tu Di rồi cũng sập” cũng theo nghĩa đó. Mọi thứ đều do thời thế sinh ra và đều là hiện tượng, lâu hoặc mau, nhưng luôn theo đúng quy luật “Sinh, trụ, hoại, diệt”. Trong vũ trụ người ta phát hiện có những vùng môi trường gọi là "lò đúc các nguyên tố" và những vùng môi trường khác như lỗ đen chẳng hạn thì các định luật vật lý từng biết đều không còn áp dụng được nữa. 108 nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev cũng chỉ là một hiện tượng thời thế. Người ta không thể có được mùa bội thu ở trên sa mạt. Đó là điều thứ nhất. Ngoài ra, chân lý cuộc sống cũng không thể là một cái này hoặc một cái kia có thể đem ra như một nội dung riêng lẻ mà chính xác nó phải là một thực thể không gian nằm trong một sự vận chuyển liên tục, không ngừng mà mỗi tình thế nó thiết lập có một sự ứng xử hợp lý và là chân lý. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gọi điều này là thế xuất xử của một cá nhân và là đạo. Tất cả các tư thế ấy trong một mối quan hệ thống nhất toàn vẹn, đó là thế giới hiện thực của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Mục đích tối cao của ông là biểu hiện và nhận thức được thế giới này. Người nghiệm được thời, có những hành động xuất xử hợp lý sẽ có sự gặt hái và cống hiến. Ngược lại, nếu không cảm ứng được thời, để cả tình yêu, lòng nhiệt huyết vào thời tuổi trẻ của mình qua đi thì trong bốn chữ sinh, trụ, hoại, diệt trước mặt chỉ còn hai chữ hoại diệt (Mô Phật). Đó là điều thứ hai. Một số điều khác tôi không muốn nói ở đây vì quá nhảm nhí.
Trong khi thế giới không có vua được thống nhất văn phong cục súc đối với các ông nhà văn nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Hoàng Đức, Trần Nghi Hoàng và v.v… thì ở đây tôi thấy những gì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết đều phóng khoáng, nhẹ nhàng, tạo ra rất nhiều cách hiểu khác nhau. Một vấn đề cực kì gây cấn nhưng ông viết như chơi, thực như giỡn, giỡn như thực. Đôi khi tôi tự hỏi vào năm 1987 không biết cái sức lực tuổi trẻ nào của ông đã khiến ông viết ra được một tác phẩm khủng khiếp như thế mà dứt khoát không một chút chao đảo đến mức độ khó tin như thế. Ông viết bằng một thứ ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, cả bình dân lẫn trí thức đều đọc được và đọc ngang nhau. Ta thử lấy một ví dụ nhỏ về lão Kiền, kẻ cãi nhau với mọi người như ăn cơm bữa nói về Đoài: "Mày ấy à? Công chức gì mặt mày? Lười như hủi, chữ tác chữ tộ không biết, chỉ giỏi đục khoét". Hoặc với Khảm, cậu sinh viên năm thứ hai: "Đồ ruồi nhặng! Học với hành! Người ta dạy dỗ mày cũng phí cơm toi". Với Cấn, lão có đỡ hơn, thỉnh thoảng cũng khen, nhưng lời khen lại quá lời chửi: "Hay thật, cái nghề cạo đầu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền". Những đoạn ấy bạn thấy gì, nếu bạn nhìn về phía người viết, là một nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nào đó? Nó giỡn chơi hay thực? Nó hàm tiếu hay cục súc? Người ta nhầm lẫn và trở nên kì cục không thể hiểu được. Nếu nhìn bằng con mắt khác, bạn sẽ thấy lão Kiền là một lão già tội lỗi, bi thảm nhưng đáng thương vô cùng. Thực sự mà nói, trong lúc lão Kiền ngồi uống rượu với con trai lão là Đoài, mặt nghiêng vào trong bóng tối tôi có cảm giác bứt rứt. Chính Đoài, kẻ kinh khủng ấy cũng đã hiểu sâu thẳm: "Con xin lỗi bố". Rồi một ngày kia khi lão Kiền hấp hối, Khiêm, một gã đồ tể, suốt đêm ngồi đọc bài kinh vô thường cho cha cảm động không nói nên lời. Ở hoàn cảnh này, tôi vừa ngộ ra một cái nghĩa sống thế gian bạc bẽo rất đáng kinh sợ nhưng đồng thời cũng tiếp cận được với một nguồn tình cảm lớn lao khiến cho mình thức tỉnh, ăn năn và quy phục hoàn toàn. Văn chương như vậy không biết người ta còn đòi hỏi gì? Khi bạn là một người thợ làm đàn dương cầm, bạn phải là một người thợ làm đàn dương cầm giỏi nhất khiến cho tất cả những nghệ sĩ ở thành phố phải lui tới nhà bạn. Khi bạn là một người thợ đóng giày thì những đôi giày của bạn phải để trên ngăn kệ cao nhất mà mọi người phải ngước nhìn lên, những vũ công điệu nghệ của tất cả các sàn nhảy phải tới nhà bạn. Còn khi bạn là một độc giả, bạn phải là một độc giả lớn, bạn phải đọc cả những đường dao ngọn bút đi sát trái tim mình mà không sợ hãi để đi tới đích, ngay cả một lão Kiền bắt ghế lên xem con dâu tắm trong nhà tắm và một tên như Đoài toan dâm dật với cả chị dâu. Bạn dám đem cả trái tim trần trụi của mình ra hứng lấy tất cả những thương tích ấy để hiểu tường tận đến phía sau cùng bạn đang trò chuyện với ai, người âm thầm trong bóng tối trình diễn cho bạn thấy những điều đó muốn nói với bạn những gì. Còn những điều mà người ta nói là triết học, mỹ học, những người cầm những cuốn sách to tác nói với bạn, trước nhất bạn phải hiểu đó là những cái xác chết của thánh nhân. Toàn bộ tri thức và sự hiểu biết, đầu tiên hết phải là ở chính trái tim của bạn đã. Đó là cả một hệ thống ngữ nghĩa vĩ đại bạn cần khám phá. Krishnamurti đã ví dụ về điều này: "Ông nói điều gì đó hoàn toàn mới, bất ngờ khiến tôi không có thời gian đâu để suy nghĩ. Ông thình lình đến với đầy ắp những quà tặng và tôi không còn biết tiếp rước ông cách nào nữa". Ông cho rằng nó là sự hiểu biết duy nhất có giá trị, ngoài ra tất cả các hình thái tiếp thu khác đều bị quy định, đều là quá khứ, đều là yếu tố chứa thời gian. Khi đọc sách, bạn sẵn sàng tư thế cho những điều mới lạ. Bạn phải có đủ can đảm để nghe cả tiếng dao lướt sát trái tim mà không cần chạy trốn hoặc dừng lại, hoặc phán xét kinh khủng lên mà phải tiếp tục đi tới. Làm được như vậy, bạn sẽ trò chuyện được với một nhà văn lớn, một nhà nghệ sĩ bậc thầy. Bạn cũng thấy ra cái trung tâm của sự sống như Sinh có ý nghĩa gì. Đọc những bài viết của những tác giả thuộc hạng siêu độc giả nói trên tôi thấy họ chỉ tiếp cận tới lớp từ ngữ bên ngoài của thế giới Không có vua chứ chưa thể tiếp cận được nó.
Những siêu độc giả tôi vừa kể trên chỉ cố gắng tìm cách "lý giải", "mổ xẻ" nhà văn trên một quan điểm đã hình thành trước của mình, bỏ qua sự cảm thụ để chỉ đi tìm cho nó một hình thức như các phát biểu "khác và lạ" hoặc "phép nói ngược" thì chẳng ai trong số đó đã tiếp cận được tác phẩm cả. Ta nên nhớ, câu nói của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên "Văn của Thiệp hai lần lạ, lạ về nội dung, lạ về hình thức" là lời ca thán biểu lộ cảm xúc của ông, là khúc xương gà ông quăng ra khi đã xơi xong một món thịt gà ngon lành.
Đó là nhân dịp bàn thêm về một vấn đề. Phía sau nhà văn Nguyễn Huy Thiệp còn biết bao bạn trẻ yêu thích văn chương của ông. Chỉ cần một vỡ kịch Còn lại tình yêu thôi ông đã là nhà viết kịch số một của Việt Nam. Từ cổ chí kim chưa bao giờ tôi đọc một vỡ kịch nào làm tôi run rẩy trong một cảm giác đau khổ, lương tâm và đầy những nhận thức như vỡ kịch đó. Những nhà văn trẻ thế hệ 7X, 8X tôi nghĩ, vấn đề chủ thể trong văn học đang phải được trao qua sức lực của mình. Nếu không dám nhận trọng trách thì cơ hội sẽ vĩnh viễn mất đi. Thế hệ 7X và 8X là lực lượng sinh sản và lao động chủ yếu nhất của xã hội hiện nay (...).
Cháu rất thích tác phẩm này và muốn tìm hiểu sâu hơn về nó, nếu được bác có thể cho cháu một buổi trao đổi được không ạ. Nếu được bác liên lạc với cháu vào gmail: cobala0111@gmail.com nhé
Trả lờiXóaBài viết phóng khóang, ngôn ngữ sắc, mạnh mang phong cách hiện đại. Tôi thích.
Trả lờiXóa