Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Chúng ta viết tiểu thuyết không thể bằng thế giới được



Vũ Gia Hà
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Vua truyện ngắn
Sáng nay (ngày 11/8/2012), tại giảng đường Khoa Viết văn - Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội, diễn ra cuộc nói chuyện giữa nhà văn Nguyễn Huy Thiệp với các học viên lớp “Kĩ năng sáng tác và thẩm bình truyện ngắn”. Nhân đây, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông.
PV: Quá trình dạy học có thúc đẩy gì đến việc ông trở thành một nhà văn?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Nitsơ đã nói rằng đó bản năng. Chính bản năng đã thúc đẩy sự ham muốn viết của một thầy giáo như tôi. Chúng ta muốn chứng tỏ rằng mình đang sống, nên chúng ta viết.
PV: Ông nghĩ gì về Đạo làm người?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Đạo kia là kẻ vô hình/ Chúng ta là kẻ vô tình bước qua. Chạm đến Đạo là chạm đến cái chết; là hết tham, sân, si; là hết tính người. Đi tìm Đạo là đi tìm cả cái chết và sự sống. Đã là con người thì phải có tham, sân, si. Đó là bản năng của chúng ta. Không có những cái này, chúng ta không phải là con người. Quan trong là biết tiết chế. Chúng ta phải biết ranh giới của nó.
PV: Sau khi đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp, ông có dự định chinh phục những đỉnh cao khác?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi viết xong rồi. Viết nhiều nó nhảm. Có phải viết nhiều là tốt đâu. Chúng ta vào thư viện, có rất nhiều sách. Đa số là sách vứt đi.
PV: Ông nghĩ gì về truyện lịch sử?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Chúng ta tồn tại là nhờ những “gen” mạnh: “gen” tinh thần, “gen” trí tuệ, “gen” sức khỏe và cả “gen” tiền bạc. Truyện lịch sử tồn tại dưới tay kẻ viết mạnh nhất. Chúng ta phải biết lợi dụng lịch sử. Đại ý như câu nói mà tôi đã từng nghe: “lịch sử là cái đinh để tôi treo áo”.
PV: Thưa nhà văn, điều thiện của con người có phải là cái tốt nhất?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Có điều thiện là tốt. Nhưng nhiều khi chúng ta khổ vì điều thiện. Nếu thiên về điều thiện quá thì nguy. Chúng ta đừng có lệ thuộc quá nhiều vào điều có sẵn. Chúng ta phải tìm kiếm cái mới.
PV: Ông có tin vào sức mạnh của văn chương Việt Nam sẽ làm nên được những bộ tiểu thuyết lớn?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Chúng ta viết tiểu thuyết không thể bằng thế giới được. Các nước như Nga, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, họ có những lâu đài văn chương thật sự. Chứ không phải những lâu đài dễ vỡ như ta. Ra nước ngoài rồi quay lại nhìn những cái của ta thật là thảm hại. Truyện ngắn phù hợp với ta vì sức khỏe và trình độ của ta có giới hạn.
Người Việt Nam không làm được cái lớn đâu. Chúng ta phù hợp với cái nhỏ hơn. Làm như vậy, chúng ta mới đạt được giá trị cả hình thức lẫn nội dung. Bạn thử nghĩ đến những giá trị tinh thần và vật chất mà cha ông để lại thì biết. Có lẽ cũng do môi trường sống và con người nữa. Ví như ở Trung Quốc có núi cao, sông rộng, lòng người hiểm nên họ mới có những bộ tiểu thuyết lớn.
PV: Thưa ông, với truyện ngắn, làm cách nào để viết được nó một cách thành công nhất?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Viết truyện ngắn, anh phải biết căn cơ. Như muốn đi một chuyến đi xa, anh phải chuẩn bị tiền, quần áo và nhiều thứ linh tinh khác.
PV: Ông có thể nói qua về mối quan hệ giữa văn học và chính trị?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Mối quan hệ giữa văn học và chính trị là mối quan hệ tất yếu. Từ Aristot đến Mạnh Tử, có nghĩa là từ Tây sang Đông đều nói đại ý thế này: Con người sinh ra là đã mang bên mình bản thân chính trị. Anh phải biết về nền chính trị đương thời. Phải có bản lĩnh chính trị. Tu thân, tu đạo là tu bản thân chính trị. Giả hoặc một người cha phải biết nói nhiều giọng điệu để có cách ứng đối linh hoạt. Với vợ một giọng và với con phải một giọng.
PV: Thưa nhà văn, lợi ích của văn chương là gì?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Có người nói tôi sinh ra để làm nhà văn. Số phận bắt tôi phải làm nhà văn. Có lẽ điều đó đúng. Tôi thấy từ vua chúa đến thường dân đều bị văn chương làm cho mê hoặc. Nếu ngoài việc kiếm tiền ra mà chúng ta cứ ăn uống, chơi bời thì còn gì là thú vị. Cuộc đời dễ trở nên chán chường.
Văn chương có cái lợi hại là lúc nào nó cũng giúp lòng người hướng đến ánh sáng. Ngay trong quá trình bắt tay vào sáng tạo đã có điều đó. Người xưa có câu “nhà ta quý chữ hơn vàng” để minh chứng cho điều đó.
PV : Ông có bao giờ hoang mang về văn chương?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Tôi chưa bao giờ hoang mang về văn chương. Tôi làm mọi thứ có thể hoang mang chứ văn chương thì chưa. Những người yêu văn chương đích thực kiểu gì cũng tìm được đường thoát hiểm cho riêng mình. Văn chương là thứ đáng quý, đáng hy sinh về nó.